TIN VUI

Tuần san Bạn trẻ Công Giáo  -  Số 95 CN 22.07.2007

 

Web site : www.tinvui.org

E-mail : bantreconggiao@yahoo.com

 

MỤC LỤC

 

Chúa Nhật XVI Thường Niên C..

ĐÓN TIẾP CHÚA..

GIÁO DỤC THEO ĐỨC TIN..

Lược sử Dòng Tên tại Việt Nam..

1615- 1773.

Dòng Tên trở lại phục vụ Giáo Hội tại Việt Nam..

Thư của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI.

gởi cho Giáo Hội tại Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa.

(tiếp theo)

Sau 30 năm họ đạo Đakai trên rừng núi khởi công xây nhà thờ mới

XEM QUẢ THÌ BIẾT CÂY..

VỀ MIỀN VỈNH CỬU..

Giọt nước mắt ngoài phòng hội chẩn.

TỬ ĐẠO ĐẠI-HÀN: LUCA HOÀNG..

Tuổi teen : Yêu là…hư ?.

Phải đặt tên cho con như thế nào?.

PHÊRÔ CHỐI CHÚA..

 

  

 

SỐNG LỜI CHÚA

 

 

Chúa Nhật XVI Thường Niên C

 

Lc 10, 38-42

"Martha rước Người vào nhà mình. Maria đã chọn phần tốt nhất".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu vào một làng kia và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: "Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với". Nhưng Chúa đáp: "Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất". Đó là lời Chúa.

 

 

ĐÓN TIẾP CHÚA


Hạnh phúc là điều ai cũng mong muốn. Tất cả đời sống của con người là cuộc lên đường để tìm kiếm hạnh phúc. Đối với tôi hạnh phúc là “cái này”, còn đối với anh với chị hạnh phúc là “cái kia”.


Dù vậy trong cuốc sống chúng ta đừng quá mãi mê tìm kiếm những thứ hạnh phúc trên trần gian, vì hạnh phúc trên trần gian có lúc sẽ qua đi, không tồn tại. Có một hạnh phúc chúng ta phải kiếm tìm cho mình đó là chính Chúa, vì Chúa rất cần thiết cho cuộc sống của ta.Vậy làm thế nào để chúng ta tìm gặp Chúa là Nguồn Vui của mình?.


Các bài đọc trong Thánh lễ hôm nay sẽ là phương thế giúp chúng ta gặp được Chúa là hạnh phúc vững bền cho kiếp sống.


1/ Bài đọc I:


Cử chỉ Abraham sụp xuống đất lạy Đức Chúa và nói: “ Thưa Ngài, nếu tôi được đẹp lòng Ngài, thì xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài” (St 18, 2-3), đó là Abraham đã thể hiện một tâm hồn khiêm tốn trước Thiên Chúa và khao khát đón rước Ngài.

 

Quả thật, có khiêm tốn thì mới khao khát. Mặc dù Abraham đã già, nhưng tâm hồn ông không khép kín, Abaraham khiêm tốn tìm mọi cách mở lối để Chúa vào viếng thăm gia đình ông. Mặc dù Abraham đã cao niên, nhưng ông đã chứng tỏ sự năng động của con người bằng những việc làm thật chân tình và chu đáo khi được Chúa đến viếng thăm gia đình ông.


Chắc chắn sự hiện diện của Thiên Chúa trong nhà Abraham, đã làm cho gia đình ông được no đầy ân phúc. Đây chính là hạnh phúc mà Abraham đã khiêm tốn mong chờ, và Chúa đã đáp lời ông.


Như vậy thái độ khiêm tốn và khao khát gặp Chúa, sẽ là con đường để Chúa đến với chúng ta. Khi khiêm tốn đó là lúc chúng ta dẹp các tự mãn để thể hiện sự thiếu thốn ơn thánh của Chúa. Hơn nữa khi ta khao khát thì chúng ta mới tìm kiếm Chúa để được thoả mãn cho những khát mong của mình. Chỉ khi nào chúng ta có những tâm tình như thế thì lúc đó chúng ta mới gặp được Chúa là hạnh phúc của con người.

2/ Bài Tin mừng :

 

Khiêm tốn khao khát gặp được Chúa là điều chính đáng. Nhưng gặp được Chúa mà lòng ta không siêu thoát thì sự gặp gỡ đó chỉ mang hình thức mà thôi. Vì thế Chúng ta không gì ngạc nhiên trước lời Chúa nói với Mácta trong bài Tin mừng hôm nay khi Chúa đến viếng thăm gia đình của chị: “Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá ! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy đi” (Luca10,41-42).

 

Siêu thoát là điều cơ bản để chúng ta đón nhận Lời Chúa. Một tâm hồn còn mải mê tiền của, danh vọng, địa vị, quyền lực và lạc thú, thì chắn chắn sẽ không có thời giơ, tâm trí, sự tinh tế cần thiết để đón nhận tiếng Chúa kêu mời.


Như vậy muốn gặp được Chúa thì chúng ta phải có tâm hồn tự do, không bị lệ thuộc trước những rào cản của những thứ dối trá nay còn mai mất trên trần gian. Lời Chúa sau đây thật đúng cho những ai khao khát kiếm tìm Ngài: “ Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” ( Mt 5,8).

Từ những ý nghĩa được rút ra trong những bài Sách thánh hôm nay, chúng ta hãy tự đặt câu hỏi:


3/ Sự hiện diện của Chúa có cần thiết cho cuộc sống con người hay không?


Câu hỏi thật khó nhưng cũng thật dễ.


Khó cho những ai không dám can đảm sống theo tiếng Chúa. Vì cuộc sống của họ đã bị cái gian dối ngụy biện ăn sâu vào con người, cái cậy dựa vào quyền thế để che lấp sự thật, cái lạm dụng vào sức mạnh của thế lực để tước lấy sự tự do của cá nhân và tập thể. Tất cả những gì họ đang có đều mang lại lợi nhuận nhất thời cho bản thân và cho gia đình của họ. Từ đó họ cảm thấy sự hiên diện của Thiên Chúa là con số không trong cuộc sống. Vì họ thiếu khiêm tốn để chấp nhận lời Chúa, thiếu siêu thoát khi phải từ bỏ những thứ dối trá mà họ đang có để sống như Chúa. Vì “ chúa” của họ là sự gian dối, quyền lực, địa vị, lợi nhuận…


Ngược lại khi đặt câu hỏi về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống, thì đó cũng là câu hỏi thật dễ cho những tâm hồn khiêm tốn.


Những tâm hồn khiêm tốn là những người luôn cảm nghiệm Chúa là Sự Thiện tuyệt đối, là Sự Thật toàn vẹn. Tâm hồn họ luôn hướng về Chúa, sẵn sàng từ bỏ tất cả, chấp nhận những thiệt thòi mất mát để sống theo tiếng lương tâm, theo ánh sáng Lơì Chúa. Nhờ vậy mỗi ngày họ được nên hoàn thiện như Chúa là Đấng hoàn thiện (x Mt 5,48 ).


Những tâm hồn khiêm tốn là những người không tìm thứ hạnh phúc dối trá như những người không muốn đón nhận Chúa. Hạnh phúc của những người khiêm tốn là chính Chúa, là sống theo Lời Chúa, cho dẫu có lúc phải bị trả giá bằng những thử thách và khổ đau.


Những tâm hồn như thế chính là những người có phúc, vì họ được thuộc về gia đình của Chúa. Vì Chúa Giêsu đã nói những người có phúc là “ biết lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa” (Lc 11,27). Đây là những người không ngoan, vì họ biết “ chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10,42).


Mỗi người chúng ta tự hỏi: Chúa còn cần thiết cho ta nữa không ?. Chúng ta có khiêm tốn khao khát đón nhận Ngài với tâm hồn siếu thoát chưa ?

 

Nếu cảm thấy Chúa không cần thiết, không khao khát đón nhận Chúa với tâm hồn siêu thoát, là vì chúng ta chưa xác tín đủ Chúa chính là hạnh phúc vĩnh cửu của bản thân. Từ đó chúng ta thích sống kiêu căng, luôn tìm mọi cách để chiếm đoạt những điều dối trá nơi trần gian, không muốn để Lời Chúa sửa dạy chúng ta. Và khi gặp những trở ngại, chúng ta hay buồn chán, thất vọng, lo lắng, mệt mỏi, hoài nghi…

Nếu chúng ta đang sống trong tâm trạng thờ ơ với Chúa như thế, chúng ta hãy khiêm tốn xin Mẹ Maria giúp chúng ta có một tình yêu mặn nồng với Chúa : Luôn khao khát tiếp nhận Ngài, lắng nghe lời Ngài, sẵn sàng hy sinh từ bỏ tất cả để sống cuộc đời như Mẹ. Vì tất cả mọi thứ hạnh phúc trên trần gian rồi sẽ qua đi. Chỉ có Chúa là hạnh phúc vững bền mới tồn tại. Như vậy bằng mọi cách chúng ta hãy ra sức kiếm tìm, đón rước Chúa để mai sau được sống với Ngài.

 

Lm Giuse Nguyễn Minh Chánh

 

Mục lục

 

CON ĐƯỜNG TU ĐỨC

GIÁO DỤC THEO ĐỨC TIN

 

Ngày 28 tháng 7 là lễ kính thánh Gioakim và thánh Anna. Theo truyền thuyết, hai vị thánh này là cha mẹ của Đức Maria.

 

Mừng kính cha mẹ của Đức Maria, Hội Thánh tạ ơn Chúa đã ban cho hai đấng được ơn đặc biệt là sinh hạ một người con, mà Chúa chọn cách rất đặc biệt.

 

Đi đôi với việc tạ ơn Chúa, nhiều cộng đoàn ca ngợi hai thánh đã nhiệt tình cộng tác với Chúa trong việc giáo dục con yêu của các Ngài.

 

Chắc chắn là thánh Gioakim và thánh Anna đã hết sức để ý đến việc giáo duc con mình. Giáo dục này dựa theo đức tin.

 

Hai thánh đã giáo dục con mình theo đức tin thế nào ? Điều đó thực sự ta không rõ. Nhưng, nếu nhân dịp lễ này, mỗi người chúng ta kể cho người khác nghe chính mình đã nghĩ gì về việc giáo dục theo đức tin, và đã thực hiện thế nào đối với mình và những người mình có nhiệm vụ giáo dục, thì thiết tưởng chia sẻ như thế sẽ là đóng góp thân tình vào cuộc lễ.

 

Với ý nghĩa đó, tôi xin chia sẻ kinh nghiệm của tôi.

 

Kinh nghiệm cho tôi thấy: Giáo dục theo đức tin phải bắt đầu từ cái nhìn đúng đắn về con người.

 

Con người được gọi đi vào con đường “thiện tâm”.

 

Mỗi người, dù ở tuổi nào, vẫn phải nhớ mình là bất toàn. Vì thế, mỗi người đều được mời gọi phải mỗi ngày mỗi tấn tới trên con đường hoàn thiện chính mình. Càng tiến bước trên con đường đó, người ta càng thấy mình còn xa lý tưởng toàn thiện. Có nghĩa là, từ lúc sinh ra cho đến cuối đời, con người không ngừng được kêu gọi phải tiến lên mãi trên các bậc thang giá trị. Tiến lên bằng việc không ngừng được giáo dục và tự giáo dục.

 

Giáo dục này chủ yến giúp con người phân định được điều gì là đúng, điều gì là sai, điều gì là xấu phải tránh, điều gì là thiện nên làm. Hơn thế nữa, giáo dục đó còn đưa con người tới chỗ nhận định cấp bậc của sự thiện, để biết bỏ sự thiện thấp mà chọn sự thiện cao hơn.

 

Việc phân định nội tâm như thế đòi sự phấn đấu nội tâm. Phấn đấu này nhiều khi gay gắt. Bởi vì bỏ cái này, chọn cái kia, thường là điều chẳng dễ chút nào.

 

Chính vì thế mà phấn đấu nội tâm là một yếu tố của cuộc giải thoát lương tri. Lương tri được giải thoát khỏi biết bao áp lực xấu. Việc giải thoát này sẽ rất cam go, nhưng nó đem lại cho lương tri sự tự do đích thực của những con người được gọi sống trong chân lý.

 

Tôi vừa nói về ba việc: Phân định tốt xấu, phấn đấu nội tâm và giải thoát lương tri. Ba việc này cần được hướng dẫn tốt. Chúng là ba đòi hỏi của thiện tâm. Thực hiện đúng ba đòi hỏi này sẽ kể được là sống theo thiện tâm.

 

Chỉ nhìn qua con đường thiện tâm, chúng ta cũng thoáng thấy những ai đi trên đường đó, phải được tập luyện và biết đón nhận nâng đỡ của những hướng dẫn có thẩm quyền.

 

Nhưng giáo dục theo đức tin không dừng lại trên con đường thiện tâm, mà phải đi xa hơn, tức là phải đi vào con đường thánh ý Chúa.

 

Con người được gọi đi vào con đường “thánh ý Chúa”.

 

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến việc “sống theo thánh ý Chúa

 

Thánh ý Chúa không luôn giống ý ta, cho dù ý ta là do thiện tâm. Hơn thế nữa, thánh ý Chúa nhiều khi khác hẳn ý riêng ta.

 

Để biết thánh ý Chúa trong những trường hợp cụ thể, chúng ta phải cầu nguyện, học hỏi, gẫm suy Lời Chúa.

 

Thêm vào đó, phải có một nhạy bén do ơn Chúa Thánh Thần, để biết đọc được ý Chúa trong các dấu chỉ thời đại.

 

Một cách rèn luyện mình thông thường, để dể nhận ra ý Chúa, và dễ thực thi ý Chúa là : Giáo dục mình biết dùng thời giờ, biết dùng sức khỏe và mọi hoàn cảnh. Làm sao hằng ngày, ta vẫn thực thi được những từ bỏ nho nhỏ, và dâng lên Chúa được những phục vụ bé mọn, để mỗi ngày ta thuộc về Chúa nhiều hơn.

 

Như thế, “sống theo ý Chúa” là con đường của đức tin nặng về tu đức. Tu đức trong từng giây phút hiện tại. Tu đức trong lãnh vực lý trí, ý chí, đam mê, tình cảm, nhất là trong lãnh vực cộng tác với ơn Chúa.

 

Con người được gọi đi vào con đường “làm chứng”

 

Kinh nghiệm cho tôi thấy rõ, Những ai được giáo dục và tự giáo dục đi trên con đường thánh ý Chúa sẽ cảm thấy mình được gọi phải đi sâu vào con đường làm chứng. Làm chứng cho sự gì ?

 

Tình yêu của ta rất bé nhỏ. Nhưng nhờ được giáo dục và tự giáo dục theo đức tin, nó trở nên như một cơ chế đón nhận tình yêu Thiên Chúa và diễn tả tình yêu Thiên Chúa.

 

Một tình yêu khiêm tốn ẩn dật phản ánh tình yêu ẩn dật của Đức Giêsu Kitô. Suốt đời Đấng Cứu Thế là tình yêu giấu mình trong thân phận con người, để chia sẻ những thao thức của con người.

 

Một tình yêu phục vụ phản ảnh tình yêu phục vụ của Đức Kitô. Từ Belem đến Calvariô, Đức kitô luô phục vụ con người nhất là những con người lầm than, bé mọn, khổ đau.

 

Một tình yêu cứu độ phản chiếu tình yêu cứu độ. Con người của Đức Kitô, cuộc đời của Đức kitô là một quà tặng cứu độ nhưng không, Chúa ban cho loài người.

 

Một tình yêu hy sinh phảnh ảnh tình yêu hy sinh của Đức Kitô. Thánh giá là biểu tượng tình yêu hy sinh đến tột độ của Đức Kitô.

 

Một tình yêu phục sinh phản ảnh tình yêu phục sinh của Đức Kitô. Đức Kitô đã chết và đã sống lại. Đó là kế hoạch của tình yêu dẫn con người từ cõi chết đi vào cõi phúc đời đời.

 

Làm chứng như thế tất nhiên có nhiều thiếu sót. Nhưng vẫn là một niềm vui, lòng biết ơn và niềm hy vọng.

 

Vui, vì đây là dịp được lại gần Đức Mẹ và hai ông bà thân sinh của Người.

 

Biết ơn, vì đây là dịp ta nhớ lại sâu sắc công ơn những vị đã giáo dục ta theo đức tin.

 

Hy vọng, vì đây là dịp để những người thiện chí nâng đỡ lẫn nhau.

 

Ta nâng đỡ nhau, để được Chúa đỡ nâng. Càng nâng đỡ nhau và càng được Chúa đỡ nâng, ta càng dễ nghiệm ra rằng :

 

Giáo dục theo đức tin là chuỗi dài những nâng đỡ và được đỡ nâng, để trong mọi sự, ta luôn đi theo định hướng đúng, với ý chí mạnh, cùng những khát vọng trong sáng, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, tới mức ta được đổi mới, sẽ có thể nói như thánh Phaolô : ‘Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” ( Gl 2, 20)

 

Nhờ vậy, với bao yếu duối, ta vẫn tiếp tục hành hương yêu thương sám hối trên cuộc đời khó tránh được lầm lỗi.

 

Cho dù cuộc sống đôi khi gặp phải những bất ngờ đau đớn, nhưng đức tin giúp ta luôn nhìn lên Chúa, luôn thuộc về Chúa.

 

Người mãi thương ta. Người sẽ đến gọi ta về. Nơi đó, ta sẽ được an nghỉ trong tình yêu thương xót của Người đến muôn thuở muôn đời.

 

ĐGM. GB Bùi Tuần

Mục lục

 

 

 

HIỆP THÔNG GIÁO HỘI

 

Lược sử Dòng Tên tại Việt Nam


1615- 1773

Ngày 18 tháng 01 năm 1615, ba Giêsu Hữu đặt chân đến Cửa Hàn (Đà Nẵng, Đàng Trong) để chính thức mở ra công cuộc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam. Ba Giêsu hữu đó là các linh mục Francesco Buzomi (người Ý), Diogo Carvalho (người Bồ Đào Nha) và tu huynh Antónios Dias (người Bồ Đào Nha). Các ngài long trọng mừng Lễ Phục Sinh năm ấy với các giáo dân người Nhật tại đó. Năm sau, đã có hơn 300 tân tòng người Việt và Cha Buzomi chiếm được cảm tình của quan trấn thủ được Chúa Nguyễn sủng ái.

Tại Đàng Trong các Cha thiết lập ba cư sở (residentia) đầu tiên. Đó là Hội An năm 1615, Nước Mặn (ngày nay thuộc tỉnh Bình Định) năm 1618 và Thành Chiêm (cách Hội An chừng 7km) năm 1623.

Cha Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) đến Đàng Trong từ cuối tháng 12 năm 1624 đến tháng 07 năm 1626 thì bị trục xuất về Áo Môn (Macau).

Năm 1626, Đàng Ngoài đón tiếp các thừa sai. Cha Giuliano Baldinotti, người Ý cùng với tu huynh Giuliô Piani, người Nhật, theo tàu buôn thăm dò khả năng loan báo Tin Mừng. Trở về Áo Môn, Cha Baldinotti trình bày cho Bề Trên hoàn cảnh thuận lợi ở đây. Ngày lễ Thánh Giuse năm 1627, Cha Alexandre de Rhodes cùng với Cha Pedro Marquez đến Cửa Bạng (Thanh Hóa) gây dựng Hội Thánh Đàng Ngoài. Ngày lễ Tìm Được Thánh Giá 03 tháng 05 năm 1627, ngôi nhà thờ đầu tiên ở Đàng Ngoài được khánh thành tại An Vực (Thanh Hóa ngày nay).

Tháng 05 năm 1630, bốn Giêsu hữu Pedro Marquez, Đắc Lộ, Gaspar d’Amaral và Paulo Saïto, bị Chúa Trịnh Tráng buộc phải rời bỏ Đàng Ngoài sau hơn 3 năm trời tận lực truyền giáo. Để nâng đỡ giáo đoàn, các ngài ‘chính thức’ thành lập Tu hội thầy giảng. Tu hội được thành lập ở Kẻ Chợ ngày 27 tháng 04 năm 1630, còn ở Đàng Trong, Tu hội ra đời ngày 31 tháng 07 năm 1643 tại Hội An.

Năm 1644, Thầy Giảng Anrê Phú Yên bị quan trấn Quảng Nam xử tử. Cha Đắc Lộ cũng bị kết án tử hình nhưng rồi được chuyển thành án trục xuất. Năm sau, quan trấn còn xử tử hai thầy giảng Inhã ở Quảng Trị và Vinh Sơn ở Quảng Ngãi để cho các thừa sai biết ông quyết tâm cấm đạo.

Trong thời gian 1615-1773, trên 155 tu sĩ của Dòng thuộc 20 quốc tịch (nhiều nhất là Bồ Đào Nha) đã đến loan Tin Mừng trên Đất Việt, cùng với 33 Giêsu hữu người Việt. Trong số đó, có 12 Giêsu hữu đã làm việc trong Thái Y Viện và Khâm Thiên Giám của các Chúa Nguyễn.

Ngày 21.7.1773, trước sức ép nặng nề của các chính quyền ác cảm với Dòng Tên, ĐGH Clementê XIV ra đoản sắc Dominus ac Redemptor giải thể Dòng trên toàn thế giới, làm cho 23.000 tu sĩ Dòng Tên tan tác.

Từ đó các Giêsu hữu ở Việt Nam cũng theo số phận chung với anh em mình trong toàn Giáo Hội. Khi ĐGH Piô VII ra trọng sắc Sollicitudo omnium Ecclesiarum tái lập Dòng Tên từ ngày 07tháng 08 năm 1814, các cựu Giêsu hữu ở Việt Nam đã chết hết rồi, chẳng còn ai để làm sống lại Dòng Tên tại đây.

1957-1975

Từ sau năm 1954 quê hương Việt Nam chia hai. Miền Bắc sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa, Miền Nam trở thành Việt Nam Cộng Hòa. Còn tại Trung Hoa, năm 1949, chính quyền cách mạng trục xuất hơn 700 Giêsu hữu thừa sai thuộc 9 tỉnh Dòng ngoại quốc khỏi Hoa Lục. Các Giêsu hữu phải tản mác đi phục vụ nhiều nơi, nhất là tại Hồng Kông, Macau và Đài Loan. Tìm đâu ra việc cho hàng trăm thừa sai trên các lãnh thổ nhỏ bé này ?

Năm 1953, theo gợi ý của một số cựu sinh viên đại học Aurora (Thượng Hải) sinh sống tại Chợ Lớn, cha Paul O’Brien, cha Kinh Lược coi các Giêsu hữu đã bị trục xuất, tới Sài Gòn nghiên cứu việc gởi Giêsu hữu qua phục vụ đồng bào người Hoa tại Việt Nam. Các cha Thừa Sai Paris đang phục vụ nguời Hoa ở Chợ Lớn cho biết họ cũng có các thừa sai bị trục xuất khỏi Trung Quốc được gởi qua Việt Nam.

Năm 1955, Đức Cha Ngô Đình Thục đến Roma gặp cha Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên Gioan Baotixita Janssens bàn việc mời Giêsu hữu lập một đại học Công Giáo tại Việt Nam.

Năm 1956, Cha André Gomane, dòng Tên, trên đường về Bangkok, được cha Kinh Luợc mới là cha Oñate, sai ghé vào Việt Nam để thăm dò khả năng gởi Giêsu hữu qua phục vụ Giáo Hội Việt Nam. Các vị hữu trách trong Giáo Hội và cả phía chính quyền gợi ý mở cư xá sinh viên như ở Hồng Kông và giảng dạy ở đại học. Đức Khâm Sứ Tòa Thánh thì đề nghị Dòng Tên nhận trách nhiệm mở một chủng viện thuộc quyền Giáo Hoàng để giúp đào tạo hàng giáo sĩ. Trở về Roma, báo cáo của cha Gomane được trình lên Bề Trên Tổng Quyền. Tháng 12 năm 1956, Cha Kinh Lược Oñate gặp BTTQ. Ngài yêu cầu khối thừa sai Trung Quốc nhận việc lập cơ sở mới phục vụ Giáo Hội tại Việt Nam.

Tháng 4 năm 1957, cha Oñate và cha Georges Germain tới Sài Gòn để thực hiện chương trình. Các giới hữu trách trong Giáo Hội cũng như chính quyền đề nghị gởi giáo sư qua giảng dạy ở các Đại Học. Đức Khâm Sứ Tòa Thánh yêu cầu lập Chủng Viện thuộc quyền Giáo Hoàng và đề nghị đặt tại Đà Lạt, nơi có Đại Học Công Giáo vừa được thành lập.

Cha Germain được giao nhiệm vụ cấp tốc tìm nhà cho 4 Giêsu hữu tới giảng dạy đại học có nơi trú ngụ. Sau mấy tuần lễ tìm kiếm không thành công, nghe biết có một ngôi nhà do chính phủ Pháp sắp trả lại cho chính phủ Việt Nam, cha nhờ Bộ Trưởng Giáo Dục can thiệp xin cho phép mua lại ngôi nhà đó làm nơi cư trú cho các anh em Giêsu-hữu tới giảng dạy ở đại học.

Ngày 26.04.1957, ngoài cha Germain, hai Giê-su hữu khác là Cha Ferdinand Lacretelle, vừa kết thúc nhiệm vụ hướng dẫn Năm Tập Ba, và tu huynh J. B. Haňrio, cả hai đều là người Pháp được sai đến Sài Gòn và lập cộng đoàn đầu tiên ở đây. Như vậy, các Giêsu Hữu chính thức trở lại Việt Nam sau gần 200 năm vắng bóng. Ngày 31 tháng 5 năm 1957, cha Germain nhận chìa khóa nhà 175 B đường Yên Đổ (sau là 161 Yên Đổ, Quận 3, Sài Gòn và nay là 171 Lý Chính Thắng, Phường 7, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh). Đây là cơ sở đầu tiên của Miền Dòng khi trở lại Việt Nam

Cuối năm 1957, thêm bốn linh mục Dòng Tên đến Sài Sòn và giảng dạy tại Đại Học Y Khoa: Giáo sư Bác sĩ Marcel Lichtenberger, 51 tuổi (người Bỉ); tại Đại Học Văn Khoa: Giáo sư Triết học André Gaultier, 59 tuổi (người Pháp), Giáo sư Sử học André Gélinas, 33 tuổi (người Canada), Giáo sư Hán học Claude Larre, 38 tuổi (người Pháp).

Về phía Dòng, như đã nói trên, trong thời gian 1949-1954, hơn 700 Giêsu hữu tản mác đi phục vụ tại Hongkong, Macao, Đài Loan, Philippin, Thái Lan (1954) và Việt Nam (1957). Ngày lễ Giáng sinh 25.12.1957, cha Bề Trên Cả J.B. Janssens ký sắc lệnh thành lập Tỉnh Dòng Viễn Đông gồm các nhà tại Trung Hoa, Đài Loan và Philippin, Thái Lan và Việt Nam. Tại Việt Nam lúc này mới chỉ có nhà thánh Inhã, tức Trung Tâm Đắc Lộ sau này.

Theo như gợi ý ban đầu của Đức Khâm Sứ về việc các Cha Dòng Tên đảm nhận việc huấn luyện chủng sinh. Năm 1958, cha Ferdinand Lacretelle lên Đà Lạt lập Giáo Hoàng Chủng Viện. Chủng viện này sẽ được xây dựng cách quy mô vào năm 1961 và đổi tên là Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X. Ban Giáo sư của GHHV gồm 8-10 quốc tịch khác nhau, hầu hết là tu sĩ Dòng Tên.

Năm 1959 trong khuôn viên của cộng đoàn thánh Inhã, các cha đã mở Trung Tâm Đắc Lộ. Tính đến năm 1975, trung tâm này đã phát triển thành một quần thể bao gồm một cư xác cho trên 60 sinh viên, một thư viện lớn với nhiều phòng học yên tĩnh cho hơn 1000 sinh viên tới học hỏi và nghiên cứu, một trung tâm truyền hình. Thêm vào đó còn có tạp chí Phương Đông và phong trào Hưng Giáo Văn Đông, Gia Đình Nhập Thể, với chủ trương về nguồn dân tộc và sống đạo sâu xa với hết con người Việt, đưa Chúa nhập thể vào những tinh hoa văn hóa đông phương theo tinh thần hội nhập văn hóa của Cha Đắc Lộ.

Năm 1960 cha F. Lacretelle lập Nhà Tập Dòng Tên tại Thủ Đức dâng kính Thánh Tâm Chúa Giê-su. Cha cũng là Giáo Tập đầu tiên của Nhà Tập Dòng Tên Việt Nam.

Năm 1962, cha Jacques de Leffe, lúc ấy là Bề Trên cộng đoàn Thánh Inhã, lập trung tâm sinh viên Xaviê tại Huế với mục đích tương tự như Trung Tâm Đắc Lộ và mở trường trung học Tín Đức kể từ niên khóa 1964-1965.

Năm 1965, Nhà ứng sinh đại học được thiết lập trong khuôn viên Trung Tâm Đắc Lộ, Sàigòn

Ngày 8 tháng 9 năm 1966, các nhà tại Thái Lan và Việt Nam được gom thành Miền Thái-Việt, thuộc Tỉnh Dòng Viễn Đông. Cha Jacques de Leffe làm Trưởng Miền tiên khởi.

Cùng năm ấy, Học viện dành cho các học viên tỉnh Viễn Đông từ Baguio, Philippin được chuyển về Đà Lạt. Học Viện Thánh Giuse được thành lập với ngôi nhà đầu tiên tọa lạc tại số 02 Đường Huyền Trân Công Chúa. Tuy nhiên, trong một lần pháo kích năm 1968, một phần nhà đã bị hư hỏng. Cùng với nhu cầu có một cơ sở lớn hơn, năm 1969, Học Viện chuyển sang cơ sở mới tại số 09 Đường Cô Giang. Ngôi nhà này là Học viện của Miền Dòng cho đến năm 1975 và được nhà nước sử dụng từ năm 1987.

Đến năm 1970, Trung Ương Dòng tổ chức lại Tỉnh Dòng Viễn Đông và đổi tên là Tỉnh Dòng Trung Hoa. Các nhà của Tỉnh Viễn Đông cũ tại Philippin được giao lại cho Tỉnh Dòng Philippin. Dịp này, Thái Lan và Việt Nam, trước đây là một đơn vị, tách làm hai Miền trực thuộc tỉnh dòng Trung Hoa. Năm 1972 cha Sesto Quercetti làm Trưởng Miền Việt Nam cho đến tháng 04.1975.

Với sự thay đổi trên về cơ cấu, cùng năm1970, Cộng đoàn An-rê Phú Yên, 105 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, Sài Gòn (nay là đường Trần Quốc Toản) được thành lập và là trụ sở của Miền Việt Nam cho đến năm 1975.

Vào đầu thập niên 70, Dòng thiết lập Cơ sở Truyền hình Đắc Lộ (cạnh Trung Tâm Sinh Viên Đắc Lộ) nhắm đến việc giáo dục đại chúng với nhiều chương trình giáo dục thiếu nhi, giáo dục lối sống gia đình. Bên cạnh đó một số Cha bắt tay vào chương trình ‘đặc nhiệm phát triển nông thôn’, nghiên cứu và thực nghiệm các kỹ thuật canh nông mới, xuất bản những tài liệu phổ biết kỹ thuật canh tác chăn nuôi, ngư nghiệp vừa giúp nông dân tăng gia lợi tức, vừa nhắm đến phát triển cộng đồng.

Năm 1972, thành lập nhà ứng sinh thứ hai dành cho các em học Trung Học tại Thủ Đức, trong khuôn viên Nhà Tập. Cũng trong năm ấy, Cha Pedro Arrupe, Bề Trên Cả Dòng Tên viếng thăm Miền Việt Nam.

Đầu năm 1975, khi tình hình Miền Nam Việt Nam trên đà tiến tới việc thay đổi chế độ chính trị, cha Pedro Arrupe biết rằng dưới chế độ mới, sẽ không có chỗ cho anh em Giêsu hữu người nước ngoài tại Việt Nam, nên đã sai cha phụ tá Herbert Dargan đặc trách vùng Đông Á và Châu Đại Dương qua Việt Nam gặp gỡ anh em Giêsu hữu để tìm một người Việt Nam thay thế cha Quercetti trong trách nhiệm Trưởng Miền. Cha Nguyễn Công Đoan lúc ấy mới từ Roma về, được chỉ định vào nhiệm vụ này từ ngày 29 tháng 4 năm 1975.

Ngày 28 tháng 8 năm 1975, tất cả các Giêsu hữu cũng như tu sĩ ngoại quốc các Dòng khác có mặt tại Đà Lạt được yêu cầu rời khỏi Việt Nam trong vòng 48 giờ. Trước khi ra đi anh em còn kịp chụp với nhau một tấm hình trong khuôn viên Giáo Hoàng Học Viện.

Tính cho đến lúc Cha Joseph Audic, Giêsu hữu ngoại quốc cuối cùng rời Việt Nam năm 1977, Miền Việt Nam đã được 91 anh em nước ngoài đến phục vụ. Trong số các tiền nhân ấy có các cha Giáo Sư tại Giáo Hoàng Học Viện, các Cha làm công tác huấn luyện và tông đồ, các anh em Học Viên và các Tu Huynh đã âm thầm xây dựng Dòng. Bốn anh em ngoại quốc đã chọn Việt Nam làm nơi an nghỉ cuối cùng : Cha Michel Martin tại Huế, Cha Ramón Cavanna tại Sài Gòn cùng với hai cố Giáo sư Giáo Hoàng Học Viện tại Đà Lạt, Jean Motte và Anton Drexel.


1975- 2007

Tháng 03 năm 1975 vì tình hình chiến sự trở nên căng thẳng, các giáo sư và sinh viên Giáo Hoàng Học Viện cũng như Học Viện Dòng Tên tản cư về Sài Gòn. Đến tháng 05 thì tất cả trở về Đà Lạt an toàn. Với việc các cha Dòng Tên ngoại quốc phải ra đi vào tháng 09, Giáo Hoàng Học Viện được trao lại cho Đức Cha Nguyễn Sơn Lâm, giám mục Đà Lạt quản lý thay mặt Hội Đồng Giám Mục.

Sau ngày 30.4.1975, 41Giêsu Hữu người nước ngoài rời khỏi Việt Nam theo yêu cầu của chính quyền mới. Số Giêsu Hữu Việt Nam còn lại vào cuối năm 1975 là 26 tu sĩ: 11 Linh mục, 10 Học viên, 1 Tu huynh, 4 Tập sinh và khoảng 15 Ứng sinh.

Mùa Chay năm 1976, sau khi cầu nguyện và nhận định chung, Miền Dòng quyết định, theo truyền thống của cha anh năm xưa, tiếp tục sống hòa mình vào xã hội Việt Nam mới. Với tình hình nhân sự ít ỏi, không thể quản lý và sử dụng hết số cơ sở và trang thiết bị hiện có, Miền đã trao cho Nhà Nước cơ sở và máy móc của Trung Tâm truyền hình Đắc Lộ.

Cuối thập niên 1970, phong trào nghĩa vụ quân sự và thanh niên xung phong phát triển mạnh. Tiếp tục đường hướng vạch ra, một số anh em trẻ trong Miền dấn thân, lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự và gia nhập TNXP. Những anh em ở nhà thì lao động sản xuất tại chỗ hoặc làm việc trong các xí nghiệp quốc doanh.

Biến cố xảy ra vào tháng 12 năm 1980 tại Trung Tâm Đắc Lộ đặt cho Dòng những thách đố không nhỏ, cả về nhân sự lẫn cơ sở hoạt động. Nhưng bàn tay yêu thương và quyền năng của Chúa lại được cảm nhận rõ nét hơn bao giờ. Sống mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu, sống bậc khiêm nhường thứ ba trong sách Linh Thao, đó là những ơn lớn mà Dòng được lãnh nhận khi bước theo Đấng khó nghèo, vác thập giá.

Tính cho đến năm 1987, Nhà Nước đã tiếp quản các nhà và các cơ sở tông đồ do Dòng đảm trách như sau : Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt (13 Đinh Tiên Hoàng) hiện nay là cư xá cho nhân viên viện hạt nhân Đà Lạt cũng như cơ sở của Đại Học Dân Lập Yersin mới thành lập, Học Viện Dòng Tên (09 Cô Giang) hiện nay là Khu Vật Lý trị liệu thuộc bệnh viện Y Học Dân Tộc Lâm Đồng, phần còn lại của Trung Tâm Đắc Lộ (161 Lý Chính Thắng, TP HCM), Trụ Sở Bề Trên Miền Dòng Tên (nay là Đường Trần Quốc Toản), Nhà Tập Dòng Tên (Thủ Đức) nay là trường Kỹ thuật Công nghiệp Thủ Đức, Trung Tâm Sinh Viên Phanxicô (Huế) và trường Trung Học Tín Đức. Miền Dòng chỉ còn lại khu canh tác Tam Hà, nhưng thửa đất này một phần lớn cũng được trưng dụng.

Cuối thập niên 1980, các anh em trẻ dấn thân trở về sau nhiều năm phục vụ công ích. Người phục vụ dài nhất khoảng 12 năm, trong đó có 4 năm bộ đội và 8 năm TNXP hay đi lao động tại Nông Trường Thiên Chúa Giáo. Trở lại với Dòng, trở lại với việc học đã vị gián đoạn trước đây khi tuổi trẻ đã qua, là một thách đố lớn với các anh em. Một số anh em hoàn tất chương trình triết và thần học trong sự thiếu thốn sách vở cũng như giáo sư. Một số khác rời Dòng và trở lại với đời sống Kitô hữu giáo dân.

Năm 1991, năm Thánh kỷ niệm 500 năm ngày sinh thánh Inhã, Tổ phụ Dòng. Vài hoạt động được tổ chức tại Nhà thờ chính tòa cũng như các giáo xứ nhỏ bé mà Dòng đảm trách. Cũng trong năm ấy, với việc tổ chức lại các đơn vị của Dòng tại Đông Nam Á, Miền Dòng Việt Nam trở thành Miền Độc Lập, trực thuộc Bề Trên Tổng Quyền.

Từ năm 1993, một số anh em dấn thân ngày trước được đồng ý lãnh nhận tác vụ linh mục. Các anh lớn trong Miền cũng theo đó trở lại sinh hoạt với các em sau thời gian dài vắng bóng. Các sinh hoạt mục vụ của Miền Dòng cũng từ từ được chấp thuận. Để duy trì và phát triển Dòng, Miền đã cố gắng thiết lập những cơ sở tuy còn thiếu thốn nhưng tạm ổn định để đón nhận các em mới vào Dòng. Tuy con số này không nhiều nhưng cũng đủ để nối tiếp ngọn lửa truyền lại từ 40 năm qua.

Năm 1995, Tổng Hội Dòng Tên nhóm họp tại Roma. Cha Nguyễn Công Đoan đại diện anh em Việt Nam tham dự Tổng Hội, nối lại tình liên đới với Dòng quốc tế sau nhiều năm gián đoạn. Các cuộc gặp gỡ của anh em bắt đầu được tổ chức đều đặn. Như ngày xưa, anh em muốn sống với nhau như một trong một gia đình. Từ đó tên gọi ‘gia đình Miền’ trở thành tên gọi tập thể của anh em Giêsu hữu Việt Nam.


Những năm cuối cùng của thế kỷ 20, Dòng bắt đầu có được nhiều ơn gọi mới, năng động và nhiệt thành. Được Nhà Nước chấp thuận, một số linh mục trong Dòng lên đường du học ở vài nơi trên thế giới, canh tân chất lượng phục vụ của Dòng cho Giáo Hội và xã hội. Trước thềm thiên niên kỷ mới, Miền Dòng lại một lần nữa cầu nguyện và nhận định chung để tái khám phá ơn gọi của Dòng tại Việt Nam và tìm hướng đi cho những năm tháng đầy hứa hẹn sắp tới.

 

Năm 2003, Cha Nguyễn Công Đoan được Cha Bề Trên Cả Peter-Hans Kolvenbach gọi về Roma làm phụ tá cho Vùng Dòng Đông Á- Úc châu. Cha Tôma Vũ Quang Trung thay thế cha Đoan trong trách vụ Bề Trên Miền Dòng. Cùng thời điểm ấy, sự hiện diện của Dòng trên Đất Việt được chính thức nhìn nhận. Anh em Giêsu hữu từ đây có điều kiện sinh hoạt và phục vụ như bao công dân, tu sĩ và linh mục khác.


Năm 2007, 50 năm sau ngày các Giêsu hữu trở lại Việt Nam, nhận thấy quá trình hội nhập và thử luyện của anh em Miền Dòng cũng như sự trưởng thành của anh em, Trung Ương Dòng đề nghị nâng Miền Dòng Việt Nam lên bậc tỉnh Dòng.


(TríchTư liệu của Dòng Tên Việt Nam)

Vũ SJ

Mục lục

 

Dòng Tên trở lại phục vụ Giáo Hội tại Việt Nam



THỦ ĐỨC  Hôm nay ngày 14 tháng 7 năm 2007 tại nhà thờ Hiển Linh, Thủ Đức, Saigòn, là ngày hồng ân của Tỉnh Dòng Tên Việt Nam nói riêng và của Giáo Hội nói chung.

 

 Thánh lễ mừng 50 năm Dòng Tên trở lại phục vụ tại Việt Nam, hôm nay từ Miền Dòng, Dòng Tên Việt Nam nhận quyết định thành lập Tỉnh Dòng sau 50 năm hiện diện lần thứ hai trên đất Việt. Đây là tỉnh dòng thứ 86 của Dòng Tên trên thế giới.


Từ sáng sớm khách thập phương đã đổ dồn về con đường dẫn vào nhà thờ Hiển Linh- Thủ Đức thuộc Giáo phận Saigòn, xe lớn, xe nhỏ tấp nập…Khuôn viên nhà thờ đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiếp đón mọi thành phần dân Chúa.

 

Khách mời của Dòng khá đông, riêng về tu sĩ hầu như tất cả các Dòng đang hiện diện trên đất Việt đều có mặt, từ Hà Nội, Huế, Ban Mê Thuột và Sài Gòn thì nhiều vô kể. Bao nhiêu màu áo Dòng trắng, đen, xanh, xám, đỏ boọc đô, nâu…xen kẽ nhau như một vườn hoa nở rộ của Giáo Hội. Phụ huynh và thân hữu của các anh em trong Dòng gần xa đều hiện diện. Đặc biệt có sự hiện diện của hai vị tổng lãnh sự của Mỹ và Anh cũng đến chia sẻ niềm vui của Dòng.


Đúng 8g30, đoàn rước trang trọng tiến về khán đài ngoài trời phía cuối nhà thờ, với khoảng 160 linh mục và 11 giám mục. Mừng kỷ niệm 50 năm Dòng trở lại Việt Nam, đánh dấu bao năm tháng Dòng Tên đã phục vụ cho Giáo Hội Việt Nam, với chữ quốc ngữ do công biên soạn của cha Đắc Lộ mà cả dân tộc Việt Nam không ai quên ơn, với Giáo Hoàng Học Viện Piô X trước 1975 tại Đà Lạt, nơi đào tạo các linh mục, với việc hướng dẫn linh thao, giảng tĩnh tâm cho các tu sĩ và còn nhiều công việc khác mà các Giêsu hữu của Dòng đảm trách. Đứng trên lễ đài là: 3 Tổng Giám Mục của 3 Tổng Giáo phận: Sài Gòn, Huế và Hà Nội, Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, Đức Tổng Giám Mục Stêphanô Nguyễn Như Thể, Đức cha Micaen Hoàng Đức Oanh (GM GP Kontum), Đức cha Phêrô Trần Thanh Chung (nguyên GM GP. Kontum), Đức cha Giuse Nguyễn Tích Đức (nguyên GM GP Buôn Mê Thuột), Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri (GM GP Đà Nẵng), Đức Cha Giuse Võ Đức Minh (GM Phó GP. Nha Trang), Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương (GM GP. Hưng Hóa), Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc (GM GP Mỹ Tho), Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan (GM GP. Phan Thiết). Được biết trong đoàn đồng tế có sự hiện diện của rất nhiều bề trên giám tỉnh của các tỉnh Dòng Tên vùng Đông Á- Châu Đại Dương : Hàn Quốc, Philippin, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Trung Quốc, Micronesia, Đông Timor, Úc …Đặc biệt là sự hiện diện của cha Peter- Hans Kolvenbach Bề Trên Cả Dòng Tên.


Trước thánh lễ, cha Giuse Nguyễn Công Đoan, Phụ tá cha Bề Trên Cả Dòng Tên cho vùng Đông Á- Châu đại Dương đọc quyết định thành lập Tỉnh Dòng Tên Việt Nam. Tỉnh Dòng mới được đặt dưới sự bảo trợ của Thánh Phanxiô Xaviê, vị thánh nổi tiếng về truyền giáo của Dòng Tên tại lục địa Châu Á.... Sau đó là bài chia sẻ của cha tân Giám Tỉnh Toâma Vũ Quang Trung về ý nghĩa ngày lễ mừng 50 năm Dòng Tên trở lại phục vụ tại Việt Nam.


Mở đầu thánh lễ, Đức Hồng Y Gioan Baotixita mời gọi anh chị em sống tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, tạ ơn vì sự hiện diện của Dòng Tên trên đất Việt với con số 392 năm, tạ ơn vì Dòng Tên với đường hướng phục vụ Thiên Chúa bằng con đường Hội nhập Văn hóa và Ngài nói thêm, ngày hôm nay tôi mặc chiếc áo này cũng vì lý do đó. Lý do tạ ơn cuối cùng mà Ngài và các Đức Cha cũng như hầu hết các linh mục đang hiện diện trong thánh lễ là cảm ơn các cha giáo sư Dòng Tên đã hướng dẫn các Ngài trong một số giai đoạn huấn luyện.


Thánh lễ thêm phần trang nghiêm và sốt sáng với ca đoàn Piô X và những bài thánh ca quen thuộc như Giêsu của Vinh Hạnh, Dâng Lên của Phạm Liên Hùng và Trọn NiềmTtin Yêu là ca khúc mới nhất được Tiến Linh viết tặng riêng cho Dòng Tên nhân dịp kỷ niệm mừng 50 năm.


Trong bài giảng lễ, Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc với tư cách là một người bạn của anh em Dòng Tên, đã sôi nổi nói về tình yêu của Ba Ngôi, về sự phục vụ không ngừng nghỉ của các cha Dòng Tên, về sự trí thức và nhiệt tình của các Giêsu hữu đối với Giáo Hội…


Trong phần dâng lễ vật với những bông sen trắng tượng trưng cho sự thanh khiết của tuổi trẻ do hai em bé trong trang phục áo bà ba. Dâng lúa và muối tượng trưng cho những thức ăn căn bản cho soi sáng con người. Dâng sách Phép Giảng Tám Ngày, cuốn sách đầu tiên của Cha Đắc Lộ. Cuốn sách tượng trưng cho nỗ lực hội nhập văn hóa của anh em Dòng Tên tiền bán thế kỷ XVII. Dâng Thánh giá trong nhà Nguyện của các cha giáo sư Giáo Hoàng Học Viện thánh Piô X, tượng trưng cho tình yêu của anh em Dòng Tên đối với Việt Nam.


Trước khi kết thúc thánh lễ, cha Bề Trên Cả của Dòng thay mặt cho Dòng Tên bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Hồng Y, quý Đức Cha, quý Bề Trên các Dòng, quý linh mục tu sĩ nam nữ và toàn thể mọi người đã yêu mến anh em Dòng Tên bằng cách cầu nguyện cũng như nâng đỡ bằng nhiều cách.


Để tri ân Hội đồng Giám Mục Việt Nam, Cha Bề Trên Cả đã tặng cho HĐGM một bức tranh sơn dầu Mẹ Maria bồng Chúa Giêsu trên tay và Đức Tổng Giám Mục Hà Nội đã nhận món quà đầy tình và chan chứa nghĩa này.


Nhân dịp này tủ sách Antôn và Đuốc Sáng của các cha Dòng Tên cũng trình làng 3 bộ sách: Linh đạo dòng Tên, Lịch sử mỗi bộ này gồm 6 cuốn và bộ linh thao gồm 5 cuốn.


Kỷ niệm 50 năm hiện diện lần thứ hai của Dòng Tên trên quê hương Việt Nam yêu dấu là một đánh dấu cho một sự trưởng thành và vững mạnh của Dòng với việc thành lập Tỉnh Dòng. Xin cho đường hướng Hội Nhập Văn Hóa của Dòng luôn phát triển để lòng mến và ân sủng Chúa luôn đổ tràn trên các Giêsu hữu của Dòng góp phần tạo nên nhiều thợ gặt lành nghề cho Thiên Chúa.


Sr Minh Nguyên

 

Mục lục

 

 

 

Thư của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI

gởi cho Giáo Hội tại Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa

 

(tiếp theo)

 

 

9. Việc bổ nhiệm giám mục

Như tất cả anh chị em đều đã biết, một trong những vấn đề tế nhị nhất trong những tương quan của Toà Thánh với những Thẩm quyền của đất nước anh chị em, là vấn đề bổ nhiệm những giám mục. Một đàng, người ta có thể hiểu rằng những Thẩm Quyền cai trị chú ý đến sự chọn lựa những người sẽ thi hành vai trò quan trọng làm kẻ hướng dẫn và làm chủ chăn của những cộng đoàn công giáo địa phương, chú ý đến những phản hồi xã hội mà --- tại Trung Quốc cũng như tại những nơi khác trên thế giới --- vai trò này có trong lãnh vực dân sự. Ðàng khác, Toà Thánh theo dõi --- với sự chăm sóc đặc biệt, --- việc bổ nhiệm giám mục, bởi vì việc bổ nhiệm này chạm đến chính con tim của đời sống Giáo Hội, bởi vì việc bổ nhiệm giám mục từ Ðức Giáo Hoàng là bảo đảm cho sự hiệp nhất của Giáo hội và cho sự hiệp thông phẩm trật. Vì lý do này, giáo luật (nơi khoản 1382) thiết định những chế tài nghiêm trọng đối với vị giám mục nào tự ý phong chức giám mục mà không có sứ vụ lệnh tông toà, cũng như đối với vị được thụ phong giám mục; việc thụ phong như thế quả thật là một vết thương đau đớn gây cho sự hiệp thông giáo hội và là một lỗi phạm nặng nề đối với kỷ luật giáo hội.

Khi ban sứ vụ lệnh tông toà để phong chức giám mục cho một đương sự, Ðức giáo hoàng thi hành quyền thiêng liêng tối cao của mình: đây là một quyền hành và một sự can thiệp nằm trong lãnh vực hoàn toàn tôn giáo. Do đó, đây không phải là một quyền hành chính trị, xen mình không đúng vào trong những việc nội bộ của một Nhà Nước và phạm đến chủ quyền tối cao của Nhà Nước đó. Việc bổ nhiệm những vị Chủ Chăn cho một cộng đoàn tôn giáo nhất định, được hiểu, --- cả trong những văn kiện quốc tế, --- như là một yếu tố cấu thành của việc thực thi quyền tự do tôn giáo (43). Toà Thánh mong muốn được tự do hoàn toàn trong việc bổ nhiệm giám mục (44); tuy nhiên, khi nhìn vào con đường đặc biệt mới đây của Giáo Hội tại Trung Quốc, Tôi ước mong tìm được một sự đồng ý với Chính Quyền, để giải quyết vài vấn đề liên quan đến việc tuyển chọn những ứng viên vào hàng giám mục, cũng như liên quan đến việc công bố việc bổ nhiệm giám mục và việc nhìn nhận - với những hệ quả dân sự trong những gì cần thiết - (nhìn nhận) vị tân giám mục từ phía những thẩm quyền dân sự.

Cuối cùng, liên quan đến việc tuyển chọn những ứng viên vào hàng giám mục, và biết rõ những khó khăn của anh chị em trong vấn đề nầy, Tôi muốn nhắc lại điều cần thiết rằng các ứng viên đó phải là những linh mục xứng đáng, được tín hữu tôn trọng và yêu mến, là gương mẫu đời sống trong đức tin, có kinh nghiệm nào đó trong thừa tác vụ mục vụ, và như thế có khả năng hơn, để đương đầu với trách nhiệm nặng nề làm Chủ Chăn của Giáo Hội. (45) Khi mà trong một giáo phận người ta không thể tìm gặp những ứng viên thích hợp cho toà giám mục, thì sự công tác với những giám mục của các giáo phận gần bên có thể giúp tìm những ứng viên đúng tiêu chuẩn.

 

Phần II: Những Ðịnh Hướng cho Sinh Hoạt Mục Vụ

10. các Bí Tích, việc điều hành các giáo phận, các giáo xứ

Trong thời gian gần đây, nảy sinh những khó khăn đi liền với những sáng kiến cá nhân của các Chủ Chăn, của các linh mục và của các giáo dân, do lòng quảng đại và sự sốt sắng mục vụ, đã không luôn luôn tôn trọng những trách vụ và những trách nhiệm của kẻ khác.

Về vấn đề này, Công Ðồng Vaticanô II nhắc chúng ta nhớ lại rằng, một đàng các giám mục, "xét như là thành phần của giám mục đoàn và như là những kẻ tiếp nối hợp pháp của các Tông Ðồ, đều có bổn phận --- do Chúa Kitô thiết lập và giảng dạy, ---- phải chăm lo cho toàn thế giới", nhưng đàng khác, các ngài "thi hành quyền cai quản mục vụ trên một phần Dân Chúa đã được trao phó cho các ngài, chớ không phải trên những Giáo hội khác, cũng không trên Giáo hội phổ quát" (46).

Hơn nữa, trước vài vấn đề phát sinh trong những cộng đoàn giáo phận trong những năm vừa qua, Tôi nghĩ có bổn phận nhắc lại quy định giáo luật, theo đó mọi giáo sĩ phải gia nhập vào một giáo hội địa phương hoặc vào trong một Viện tu đời tận hiến, và phải thi hành thừa tác vụ của mình trong sự hiệp thông với giám mục bản quyền giáo phận. Chỉ trong trường hợp có lý do chính đáng, một giáo sĩ mới có thể thi hành thừa tác vụ trong một giáo phận khác, nhưng luôn phải có sự đồng ý trước của hai giám mục bản quyền, nghĩa là của vị giám mục cai quản giáo hội địa phương mà trong đó giáo sĩ này đã nhập tịch, và của vị giám mục của giáo hội địa phương trong đó giáo sĩ này đến phục vụ (47).

Kế đến, trong nhiều hoàn cảnh, là vấn đề về việc đồng tế thánh lễ. Về vấn đề nầy, Tôi nhắc lại rằng việc đồng tế thánh lễ giả thiết phải có trước những điều kiện như: việc tuyên xưng cùng một đức tin và sự hiệp thông phẩm trật với Ðức Giáo Hoàng và với giáo hội phổ quát. Tuy nhiên, được phép đồng tế với các giám mục và các linh mục có hiệp thông với Ðức Thánh Cha, cho dù các ngài là những vị đã được Thẩm Quyền dân sự nhìn nhận và có duy trì liên lạc với những cơ quan, do Nhà Nước muốn có và là những cơ quan nằm bên ngoài cơ cấu của Giáo Hội, miễn là --- như đã nói trên nơi số 7 --- việc nhìn nhận và mối tương quan đó không kéo theo sự chối bỏ những nguyên tắc không thể nhượng được của Ðức tin và của sự hiệp thông trong giáo hội.

Kể cả các tín hữu, nếu họ được linh động bởi một tình yêu chân thành đối với Chúa Kitô và Giáo Hội, thì không nên do dự tham dự Thánh Thể, được cử hành bởi các giám mục và các linh mục không có sự hiệp thông trọn vẹn với người kế vị Thánh Phêrô và được nhìn nhận bởi những Thẩm Quyền dân sự. Cùng những quy định như vậy được áp dụng cho tất cả các bí tích khác.

Phải luôn theo ánh sáng những nguyên tắc của giáo lý công giáo, mà giải quyết những vấn đề được nẩy sinh, đối với những giám mục đã được phong chức mà không có sứ vụ lệnh của toà thánh, nhưng có tuân giữ nghi thức công giáo của việc phong chức giám mục. Việc phong chức giám mục cho các ngài - như tôi đã nói nơi số 8 - là không đúng luật đạo, nhưng được thành sự; và do đó cũng được thành sự những phong chức linh mục mà các giám mục này đã thi hành; và cũng được thành sự các bí tích do các giám mục và linh mục thuộc trường hợp này trao ban. Vì thế, theo những gì vừa được xác định, trong việc cử hành thánh thể và ban phát các bí tích khác, các tín hữu, trong mức độ có thể, hãy tìm đến với các giám mục và linh mục có hiệp thông với Ðức Thánh Cha; tuy nhiên, khi không thể làm như vậy được vì có bất tiện trầm trọng, thì các tín hữu, do nhu cầu lợi ích thiêng liêng của họ, có thể đến với cả những vị không có hiệp thông với Ðức Thánh Cha.

Cuối cùng, Tôi cho là hợp lúc để kêu gọi sự chú ý của anh chị em đến những gì giáo luật dự trù, để giúp ích cho các giám mục giáo phận thi hành trách vụ mục vụ riêng. Mỗi giám mục giáo phận được mời gọi hãy biến mình trở thành những phương tiện cần thiết của sự hiệp thông và cộng tác bên trong cộng đoàn công giáo giáo phận: văn phòng giáo phận, hội đồng linh mục, ban cố vấn, hội đồng mục vụ giáo phận, hội đồng giáo phận đặc trách những vấn đề kinh tế tài chính. Những cơ quan nầy nói lên sự hiệp thông, cổ võ việc chia sẻ những trách nhiệm chung, và là sự trợ giúp lớn cho các Chủ chăn; và các Chủ chăn này có thể cậy dựa vào sự cộng tác huynh đệ của các linh mục, của những anh chị em sống đời tận hiến và những anh chị em giáo dân.

Cùng những điều giống như thế được áp dụng cho các hội đồng khác nhau, được giáo luật quy định cho các giáo xứ như: hội đồng mục vụ giáo xứ và hội đồng giáo xứ đặc trách những vấn đề kinh tế tài chánh.

Ðối với các giáo phận cũng như với các giáo xứ, cần chú ý đặc biệt đến những tài sản vật chất của Giáo Hội, gồm các động sản và bất động sản; những tài sản này cần được kê khai đúng theo luật định trong lãnh vực dân sự, và nhân danh giáo phận hay giáo xứ, chứ không bao giờ nhân danh cá nhân (như giám mục, cha xứ hay nhóm giáo dân). Trong khi đó, vẫn còn đầy đủ giá trị của nó, định hướng truyền thống cho việc mục vụ và truyền giáo, được tóm gọn trong nguyên tắc: "nihil sine Episcopo", nghĩa là " không làm gì mà không có giám mục".

Từ phân tích về những vấn đề nêu trên, xuất hiện rõ ràng ràng rằng một giải pháp đích thực cho những vấn đề này có gốc rễ của nó trong việc cổ võ sự hiệp thông, một sự hiệp thông múc lấy sức mạnh và sự hăng say từ nguồn mạch là Chúa Kitô, mẫu tình thương của Thiên Chúa Cha. Tình bác ái, luôn có giá trị trên tất cả mọi sự (x. 1 Co 13,1-12), sẽ là sức mạnh và là tiêu chuẩn trong công việc mục vụ, để xây dựng một cộng đoàn giáo hội, làm cho Chúa Kitô Phục Sinh hiện diện với con người ngày nay.

 11. Những giáo tỉnh.

Trong thời gian 50 năm qua, trong lãnh vực dân sự, đã có nhiều thay đổi hành chánh. Ðiều này ảnh hưởng đến nhiều giáo tỉnh khác nhau; có những giáo tỉnh đã bị huỷ bỏ hoặc được phân chia lại, hoặc phải thay đổi trên bình diện lãnh thổ, tuỳ theo những tỉnh hành chánh dân sự. Về điều này, Tôi muốn xác định rằng Toà Thánh sẵn sàng đương đầu với toàn bộ vấn đề về các giáo phận và giáo tỉnh, trong một cuộc đối thoại cởi mở và xây dựng với hàng giám mục Trung Hoa và với những Thẩm Quyền dân sự, nếu xét thấy hợp lúc và hữu ích. 

12. Những cộng đồng công giáo.

Tôi đã biết rõ rằng những cộng đoàn giáo phận và giáo xứ, rải rác trong lãnh thổ rộng lớn Trung Quốc, cho thấy một sức sống đặc biệt về đời kitô, về chứng tá đức tin và về những sáng kiến mục vụ. Ðây là điều an ủi tôi, vì được biết rằng: mặc cho những khó khăn đã qua và hiện có, các giám mục, linh mục, những người tận hiến và các giáo dân, đã duy trì một ý thức sâu xa mình là những thành phần sống động của Giáo Hội phổ quát, trong sự hiệp thông đức tin và đời sống với tất cả mọi cộng đoàn công giáo rải rác trên khắp thế giới. Trong tận tâm hồn, họ biết rõ như thế nào là người công giáo. Và chính từ con tim công giáo này mà phải được phát sinh sự dấn thân để làm sáng tỏ và bằng việc làm cụ thể, --- từ bên trong từng cộng đoàn cũng như trong những tương quan giữa các cộng đoàn khác nhau, --- (làm sáng tỏ) tinh thần hiệp thông, sự thông cảm và tha thứ --- như đã nói trên đây nơi các số 5 và 6; đây là dấu ấn hữu hình cho cuộc sống kitô đích thực. Tôi chắc chắn rằng Thánh Thần của Chúa Kitô, --- như Ngài đã giúp cho những cộng đoàn được duy trì sống động đức tin trong thời gian bị bách hại, --- thì hôm nay Ngài cũng sẽ trợ giúp tất cả mọi người công giáo được lớn lên trong sự hiệp nhất. Như Tôi đã nhắc lại --- nơi các số 2 và 4 --- các thành viên của những cộng đoàn công giáo trong đất nước anh chị em, --- nhất là các giám mục, linh mục và những người tận hiến --- buồn thay, chưa được phép sống và diễn tả, --- một cách trọn vẹn và hữu hình, --- vài khía cạnh của việc họ thuộc về Giáo Hội và của sự hiệp thông phẩm trật với Ðức Giáo Hoàng, vì họ thường còn bị cản trở trong những tiếp xúc tự do với Toà Thánh và với những cộng đoàn công giáo khác nữa tại các quốc gia khác. Quả thật, trong những năm vừa qua, Giáo Hội được hưởng, --- so với quá khứ, --- một sự tự do tôn giáo nhiều hơn. Tuy nhiên người ta không thể chối bỏ rằng còn có những giới hạn trầm trọng liên quan đến điểm trung tâm của đức tin và rằng, trong mức độ nào đó, những giới hạn nầy bóp nghẹt sinh hoạt mục vụ. Về vấn đề này, Tôi lặp lại ước mong (x. số 4) rằng, trong cuộc đối thoại đầy tôn trọng và cởi mở giữa một bên là Toà Thánh và các giám mục Trung Hoa, và bên kia là những Thẩm Quyền Nhà Nước, người ta có thể vượt qua được những khó khăn nói trên, và như thế người ta đạt đến một sự đồng ý tốt lành, có lợi cho cộng đoàn tôn giáo và cho sự chung sống xã hội. 

13. Các Linh Mục

Tiếp sau, Tôi muốn gởi một suy tư đặc biệt và một lời mời gọi đến các linh mục - nhất là những linh mục mới được thụ phong trong những năm gần đây --- rằng với biết bao quảng đại, họ đã đi con đường thi hành thừa tác vụ mục vụ. Tôi có cảm tưởng rằng hoàn cảnh hiện nay, --- trên bình diện giáo hội và xã hội, chính trị, --- luôn làm cho trở nên khẩn thiết hơn, và đòi buộc phải múc lấy ánh sáng và sức mạnh nơi những nguồn mạch của linh đạo linh mục; những nguồn mạch đó là: tình yêu Thiên Chúa, việc theo Chúa Kitô một cách vô điều kiện, sự say mê rao giảng Tin Mừng, sự trung thành với Giáo Hội và việc phục vụ quảng đại anh chị em (48). Về vấn đề này, làm sao không nhắc đến, --- để khích lệ cho tất cả mọi người, --- những dung mạo sáng chói của các giám mục, linh mục đã làm chứng cho một tình yêu không tì ố đối với giáo hội, cả với việc cho đi chính mạng sống mình cho Giáo Hội và cho Chúa Kitô, trong những năm khó khăn vừa qua? Thưa anh em linh mục rất thân mến, anh em là những người phải mang lấy "gánh nặng của ngày và sự nóng nực" (Mt 20, 12); anh em đã tra tay cầm cày và không nhìn lại phía sau (x. Luca 9,62), anh em hãy nghĩ đến những nơi mà các tín hữu đang lo âu chờ đợi một linh mục và ở đó từ nhiều năm họ không ngừng ước mong cho có một linh mục đến hiện diện với họ, vì họ cảm thấy thật sự họ thiếu linh mục. Tôi biết rõ rằng giữa anh em, có những linh mục đang phải đương đầu với những giây phút và những hoàn cảnh khó khăn, với những lập trường không luôn được đồng ý xét từ quan điểm giáo hội, và rằng, mặc cho tất cả, họ mong muốn trở về trong sự hiệp thông trọn vẹn của Giáo Hội. Trong tinh thần của sự hoà giải sâu xa, được vị tiền nhiệm đáng kính của tôi liên lĩ mời gọi cho Giáo Hội tại Trung Quốc (49), Tôi ngỏ lời với các giám mục sống trong sự hiệp thông với người kế vị Thánh Phêrô, ngõ hầu với tâm tình của một người cha, các ngài hãy xét định từng trường hợp một, và đáp ứng một cách đúng với ước mong như thế, và nếu cần thì nhờ đến Toà Thánh. Như là dấu chỉ cho sự hoà giải đáng mong ước nầy, tôi nghĩ rằng không có cử chỉ nào khác có ý nghĩa hơn cử chỉ cùng nhau lặp lại--- nhân dịp ngày của chức tư tế vào Thứ Năm Tuần Thánh, như xảy ra trong Giáo Hội phổ quát, hoặc trong một dịp khác được xem như là hợp thời hơn, --- (cùng nhau lặp lại) lời tuyên xưng Ðức Tin, để chứng tỏ sự hiệp thông trọn vẹn đã đạt được, nhắm xây dựng nhiệm thể của Dân thánh Thiên Chúa, đã được trao phó cho sự chăm sóc mục vụ của anh em, và để làm sáng danh Thiên Chúa Ba Ngôi.

Tôi ý thức rằng, cả tại Trung Quốc nữa, cũng như tại các nơi khác trong Giáo Hội, đang nảy sinh sự cần thiết của một chương trình thường huấn tương xứng dành cho giáo sĩ. Từ đó, nảy sinh lời mời gọi, được gởi đến quý chư huynh giám mục, như là những kẻ chịu trách nhiệm các cộng đoàn giáo hội, hãy nghĩ đặc biệt đến hàng giáo sĩ trẻ luôn phải đối diện nhiều hơn với những thách thức mục vụ mới, có liên hệ với những đòi hỏi của trách vụ rao giảng Phúc âm cho một xã hội hết sức phức tạp như xã hội Trung Hoa hiện nay. Ðức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II nhắc chúng ta về điều này như sau: công việc thường huấn dành cho các linh mục "là một đòi buộc nội tại của hồng ân và của thừa tác vụ bí tích chức thánh đã lãnh nhận; trong mọi thời, việc thường huấn này luôn cần thiết. Nhưng ngày hôm nay, thì lại càng khẩn thiết đặc biệt hơn nữa, không những chỉ vì sự thay đổi nhanh chóng những hoàn cảnh xã hội và văn hoá nơi con người và nơi các dân tộc, trong đó được thi hành thừa tác vụ linh mục, nhưng còn vì "công cuộc tái rao giảng phúc âm là một trách vụ thiết yếu và không thể trì hoãn được của Giáo Hội vào lúc cuối ngàn năm thứ hai" (50).

 14. Những ơn gọi và việc huấn luyện đời tu.

Trong suốt 50 năm qua, không bao giờ thiếu trong Giáo Hội tại Trung Quốc sự trổ sinh phong phú các ơn gọi linh mục và đời tận hiến. Vì thế, người ta phải cảm tạ Chúa bởi vì đây là dấu chỉ cho sức sống của Giáo Hội và là nguyên do để hy vọng. Trong thời gian qua, đã phát sinh nhiều dòng tu bản địa: các giám mục và linh mục do kinh nghiệm mà biết rõ sự đóng góp không thể thay thế của các nữ tu trong việc dạy giáo lý và trong sinh hoạt giáo xứ trong mọi hình thức của nó; hơn nữa, sự chú ý đến những ai cần được giúp đỡ nhất, được thực hiện trong sự cộng tác của những Thẩm quyền dân sự địa phương, là thể hiện của tình bác ái và của việc phục vụ cho người lân cận, là chứng tá đáng tin nhất cho sức mạnh và cho sức sống của Phúc âm Chúa Giêsu.

Tuy nhiên Tôi ý thức rõ rằng việc trổ sinh nhiều ơn gọi như thế, ngày nay có kéo theo nhiều vấn đề khó khăn. Trước hết là đòi hỏi phân định chú ý hơn về ơn gọi từ phía những vị có trách nhiệm trong giáo hội, rồi cần có việc huấn luyện có chiều sâu hơn và việc giảng dạy cho các ứng sinh chức tư tế và những ứng sinh đời tận hiến. Mặc cho tính cách yếu kém của những phương tiện được sử dụng, vì tương lai của Giáo Hội tại Trung Quốc, người ta cần dấn thân làm sao để một đàng bảo đảm cho có sự chú ý đặc biệt trong việc chăm sóc ơn gọi, và đàng khác, một sự huấn luyện vững chắc hơn dưới những khía cạnh nhân bản, thiêng liêng, triết học, thần học và mục vụ, cần phải có trong các chủng viện và các học viện đời tu.

Về vấn đề nầy, người ta cần nhắc đặc biệt đến việc huấn luyện sống độc thân, dành cho các ứng sinh chức linh mục. Ðiều quan trọng là các ứng sinh này học sống và quý chuộng sự độc thân, như là hồng ân quý giá của Thiên Chúa và như là dấu chỉ tuyệt vời cho thời cánh chung; sự độc thân này làm chứng cho một tình yêu không chia sẻ đối với Thiên Chúa và đối với Dân Người và làm cho linh mục trở nên giống như Chúa Giêsu Kitô, Thủ lãnh và vị Hôn phu của Giáo Hội. Thật vậy, hồng ân này, một cách chính yếu, "nói lên việc phục vụ của linh mục cho giáo hội trong và với Chúa" (51) và biểu lộ giá trị tiên tri cho thế giới ngày nay.

Còn đối với những ơn gọi tu dòng, trong khung cảnh hiện nay của Giáo Hội tại Trung Quốc, thì cần biểu lộ mỗi ngày một sáng chói hơn hai chiều kích của ơn gọi tu trì: một đàng là chứng tá của ơn đoàn sủng tận hiến hoàn toàn cho Chúa Kitô, qua các lời khấn trinh khiết, khó nghèo và vâng phục, và một đàng là sự đáp trả cho đòi buộc rao giảng Tin Mừng trong những hoàn cảnh hiện tại của lịch sử và xã hội của đất nước.

 

Quý vị và các bạn thân mến. Trong số 15 của Thư ÐTC gởi Giáo Hội công giáo tại Trung Quốc. ÐTC đã nhắc đến những giá trị luân lý tốt của văn hoá Trung Hoa cổ võ cho gia đình. Ðức Thánh Cha đã viết như sau: 

15. Các giáo dân và gia đình.

Trong những lúc khó khăn nhất của lịch sử hiện đại của Giáo Hội công giáo tại Trung Quốc, các giáo dân, --- trên bình diện cá nhân và gia đình, cũng như trong tư cách là thành viên của những phong trào thiêng liêng và tông đồ, --- đã chứng tỏ một sự trung thành trọn vẹn với Phúc âm, và đích thân trả giá cho sự trung thành của mình đối với Chúa Kitô.

Thưa anh chị em giáo dân, cả ngày hôm nay nữa, anh chị em được gọi hãy nhập thể Tin Mừng trong đời sống anh chị em và hãy làm chứng, nhờ qua công việc phục vụ cách quảng đại và cụ thể, vì lợi ích của dân chúng và vì sự phát triển của đất nước: anh chị em hãy chu toàn sứ mạng nầy, bằng cách sống như những người công dân chân thành và làm việc như những người cộng tác tích cực và có trách nhiệm trong việc phổ biến Lời Chúa, trong môi trường sống của anh chị em, đồng quê hay thành thị. Trong thời gian mới đây, anh chị em là những chứng nhân can đảm của Ðức Tin, anh chị em hãy là niềm hy vọng cho Giáo Hội tương lai! Ðiều nầy đòi hỏi sự tham gia của anh chị em mỗi ngày một xác tín hơn, vào trong tất cả mọi sinh hoạt của đời sống giáo hội, trong sự hiệp thông với những vị chủ chăn của anh chị em.

Vì tương lai của nhân loại đi qua gia đình, nên Tôi cho rằng điều cần thiết và khẩn cấp là các giáo dân hãy cổ võ những giá trị của gia đình và bảo đảm an toàn những đòi buộc của nó. Trong đức tin, anh chị em biết được trọn vẹn ý định kỳ diệu của Thiên Chúa cho gia đình; đây là một lý do thêm nữa để anh chị em lãnh lấy dấu lệnh cụ thể và đòi hỏi dấn thân, như sau: gia đình thật là nơi thông thường để các thế hệ trẻ đạt đến sự trưởng thành cá nhân và xã hội. Gia đình mang theo với mình phần gia tài của chính nhân loại, bởi vì sự sống đến, qua gia đình, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Gia đình chiếm một chỗ thật quan trọng các nền văn hoá tại Á Châu, và --- như các nghị phụ của Thượng Hội Ðồng Giám Mục nhấn mạnh, --- những giá trị của gia đình như sự kính trọng thảo hiếu, lòng yêu thương và sự chăm sóc dành cho người cao niên và đau yếu, tình yêu đối với những trẻ nhỏ, sự hài hoà, đó là những giá trị rất được tôn trọng trong tất cả các nền văn hoá và truyền thống tôn giáo của đại lục này." (52)

Những giá trị vừa nói trên kết thành khung cảnh nổi bật về văn hoá Trung Hoa; nhưng tại đất nước của anh chị em, không thiếu những sức mạnh ảnh hưởng một cách tiêu cực trên gia đình, trong nhiều cách thế khác nhau. Vì thế Giáo Hội công giáo tại Trung Quốc, --- với ý thức rằng điều thiện hảo của xă hội và của chính mình được liên kết sâu xa với điều thiện hảo của gia đình (53), --- cần cảm thấy một cách thật sống động hơn và khẩn thiết hơn sứ mạng rao giảng cho tất cả mọi người biết ý định của Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình, vừa bảo đảm cho ý định này được thực hiện hoàn toàn. (54) 

16. Việc khai tâm kitô dành cho người lớn.

Lịch sử mới đây của Giáo Hội công giáo tại Trung Quốc đã thấy số đông những người lớn đã đến với với Ðức Tin nhờ vào chứng tá của những cộng đồng kitô tại địa phương. Thưa anh em, những chủ chăn, anh em được kêu gọi chăm lo đặc biệt cho việc khai tâm kitô dành cho những người lớn này, qua một giai đoạn huấn luyện tân tòng thích hợp và nghiêm chỉnh, để trợ giúp và chuẩn bị họ sống cuộc đời làm môn đệ của Chúa Giêsu. Về vấn đề này, Tôi xin nhắc lại rằng công việc rao giảng Phúc Âm không bao giờ là một việc thuần tuý chỉ nhắm thông truyền trí thức, nhưng là một kinh nghiệm sống, thanh luyện và biến đổi trọn cả cuộc đời, và là một cuộc hành trình trong hiệp thông. Chỉ như thế, người ta mới thiết lập một tương quan đúng giữa tư tưởng và đời sống. Nhìn về quá khứ, người ta cần lưu ý rằng nhiều người lớn đã không luôn luôn được hướng dẫn đủ, để biết trọn vẹn sự thật về đời sống kitô và họ cũng không biết sự phong phú của công cuộc canh tân do công đồng Vaticanô II mang đến. Vì thế xem ra cần thiết và khẩn trương, việc cống hiến cho những anh chị em này một huấn luyện kitô vững chắc và đi sâu vào đề tài, dưới dạng của một thời kỳ huấn luyện tân tòng sau khi đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội. (55)

17. Ơn gọi truyền giáo.

Giáo Hội mọi nơi và mọi lúc là giáo hội truyền giáo; giáo hội được mời gọi công bố và làm chứng cho Tin Mừng. Giáo Hội tại Trung Quốc cần phải cảm nghiệm trong tâm hồn mình sự hăng say truyền giáo của Ðấng Sáng Lập và là Chúa của mình.

Khi ngỏ lời với các bạn trẻ hành hương đến Núi Bát Phúc, vào năm 2000, Ðức Gioan Phaolô II đã nói như sau: "Khi lên trời, Chúa Giêsu đã trao cho các môn đệ của Người một sứ mạng và lời bảo đảm như sau: "Thầy đã được ban cho mọi quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy ra đi và giảng dạy cho mọi dân tộc... Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận cùng thế gian" (Mt 28,18-20). Từ hai ngàn năm, những môn đệ của Chúa Kitô chu toàn sứ mạng này. Giờ đây, vào lúc bình minh của ngàn năm thứ ba, đến phiên anh chị em. Phải, đến phiên anh chị em ra đi khắp nơi trên thế giới và loan báo sứ điệp Mười Ðiều Răn và Tám Mối Phúc Thật. Khi Thiên Chúa nói, thì Ngài nói về những điều có tầm quan trọng nhất cho mọi người, cho con người của thế kỷ thứ XXI cũng như cho con người của thế kỷ thứ nhất. Mười Ðiều Răn và Tám Mối Phúc nói về sự thật và về lòng tốt lành, về ân sủng và sự tự do, về tất cả những gì cần thiết để bước vào Nước Chúa Kitô" (56).

Giờ đây, thưa anh chị em, những môn đệ Trung Hoa của Chúa, anh chị em hãy là những tông đồ can đảm của Nước Chúa. Tôi tin chắc rằng sự đáp trả của anh chị em sẽ to lớn và quảng đại.

18. Trước hết, xét vì vài phát triển tích cực trong hiện tình giáo hội tại Trung Quốc, và kế đó, xét vì những khả thể lớn và những sự dễ dàng trong lãnh vực thông tin, và cuối cùng, xét vì những yêu cầu mà các giám mục và linh mục đã gởi đến, với bức thư này, Tôi rút lại tất cả những năng quyền đã được trao ban trước đây nhắm đương đầu với những đòi hỏi mục vụ đặc thù, đã phát sinh trong những lúc thật sự khó khăn.

Tôi cũng quyết định như thế đối với tất cả những chỉ dẫn có tính cách mục vụ, trong quá khứ và mới đây. Những nguyên tắc giáo lý gợi ý cho những chỉ dẫn đó, giờ đây có những áp dụng mới, trong những chỉ dẫn có tích chứa trong Bức Thư này."

19. Thưa quý chủ chăn và tất cả các tín hữu thân mến, ngày 24 tháng 5, ngày phụng vụ dành để kính nhớ Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria, Ðấng Phù Hộ các kitô hữu - Ðấng rất được tôn kính tại Ðền Thánh Mẫu Sheshan ở Thượng hải - trong tương lai có thể trở nên dịp cho người công giáo khắp nơi trên thế giới hiệp ý trong lời cầu nguyện với giáo hội tại Trung Quốc. Tôi ước ao ngày đó, đối với anh chị em, sẽ là ngày cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Quốc. Tôi khuyến khích anh chị em cử hành ngày Cầu Nguyện này, bằng việc canh tân sự hiệp thông đức tin của anh chị em vào Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, và canh tân sự hiệp thông trong trung thành với Ðức Giáo Hoàng, vừa cầu nguyện sao cho sự hiệp nhất giữa anh chị em được luôn sâu xa hơn và hữu hình hơn. Hơn nữa, Tôi nhắc anh chị em nhớ lại mệnh lệnh yêu thương mà Chúa Giêsu đã trao cho chúng ta, để yêu thương những kẻ thù nghịch chúng ta và cầu nguyện cho những ai bách hại chúng ta; Tôi cũng nhắc anh chị em nhớ lời mời gọi của Thánh Tông Ðồ Phaolô như sau: "Tôi khuyến khích anh chị em, trước hết hãy dâng những lời kêu xin, nài van, cầu nguyện và cảm tạ, cho tất cả mọi người, cho các Vua chúa và cho tất cả những ai đang nắm quyền, ngõ hầu chúng ta có thể trải qua cuộc sống yên hàn và an lành, với trọn lòng đạo đức và phẩm giá. Ðây là một điều cao đẹp và làm vui lòng Thiên Chúa, Ðấng cứu rỗi chúng ta, Ðấng muốn cho tất cả mọi người được cứu rỗi và đạt đến sự hiểu biết chân lý" (1 Tim 2,1-4).

Trong cùng ngày Cầu Nguyện này, những người công giáo trên toàn thế giới --- đặc biệt những anh chị em gốc Trung Quốc --- sẽ chứng tỏ tình liên đới huynh đệ và sự chăm sóc cho anh chị em, qua việc xin Ðấng là Chúa của lịch sử, ban ơn kiên trì trong việc làm chứng; xin Ngài ban cho anh chị em được biết chắc chắn rằng những đau khổ đã chịu trong quá khứ và hiện tại, vì Danh Thánh Chúa Giêsu và lòng chân thành trung kiên với Ðấng Ðại Diện của Chúa trên trần gian, sẽ được ân thưởng, cả khi mọi sự có thể xem ra như một thất bại đau buồn.

20. Thưa quý chủ chăn của Giáo Hội công giáo tại Trung Quốc, quý anh em linh mục, quý anh chị em sống đời tận hiến và anh chị em giáo dân thân mến, cuối thư, tôi cầu chúc cho anh chị em tất cả được "tràn đầy niềm vui, cho dù hiện tại anh chị em phải khốn khổ trong một thời gian, do bởi những thử thách khác nhau, ngõ hầu giá trị của đức Tin nơi anh chị em, một giá trị quý giá hơn vàng ròng, --- dù vàng hay hư nát, mà còn phải chịu thử lửa, --- làm cho anh chị em được chúc tụng, tôn vinh và danh dự, khi Chúa Giêsu Kitô xuất hiện" (I Phêrô 1,6-7).

Nguyện xin Ðức Maria rất thánh, Mẹ của Giáo Hội và Nữ Vương của Trung Quốc, Mẹ là Ðấng trong giờ thập giá đã biết chờ đợi, trong thinh lặng của niềm hy vọng, (chờ đợi) buổi sáng Phục Sinh, -- (Nguyện xin Mẹ) đồng hành với anh chị em với lòng chăm sóc dự phòng của người mẹ, và cầu bàu cho tất cả anh chị em, cùng với thánh Giuse và với nhiều thánh tử đạo Trung Hoa. Tôi bảo đảm luôn cầu nguyện cho anh chị em; và với tâm trí đầy yêu thương nghĩ đến những vị cao niên, những người đau yếu, nghĩ đến các trẻ em và các bạn trẻ của quốc gia cao cả của anh chị em, Tôi ban phép lành cho tất cả.

Từ Roma, bên cạnh Ðền Thờ Thánh Phêrô, ngày 27 tháng 5, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, năm 2007, năm thứ ba tôi làm giáo hoàng.

Bênêđitô XVI, giáo hoàng.

Đặng Thế Dũng chuyển ngữ

Radio Veritas

Mục lục

 

Sau 30 năm họ đạo Đakai trên rừng núi khởi công xây nhà thờ mới

 

PHAN THIẾT -- Đức Thánh Cha Phaolô VI qua Tông Sắc ban hành ngày 30.1.1975, thiết lập Giáo Phận Phan Thiết gồm hai Tỉnh Bình Tuy và Bình Thuận.

Đức Cha Nicola Huỳnh Văn Nghi, Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Sài Gòn, được Toà Thánh chỉ định làm Giám Quản Tông Toà Phan Thiết. Ngày 17.4.1975, ngài đến nhận nhiệm vụ giữa tiếng bom rơi đạn nổ. Lúc này Giáo phận chỉ có hai Giáo hạt là Hàm Tân và Phan Thiết. Đến năm 1990 chia thêm ba Giáo hạt nữa là Bắc Tuy, Hàm Thuận Nam và Đức Tánh.

Từ đo, Giáo hạt Đức tánh trở thành miền đất truyền giáo của Giáo phận. Hiện nay, Giáo hạt có 11 giáo xứ và 10 giáo họ với 40.000 giáo dân trong hai huyện Đức Linh và Tánh Linh.

Giáo họ Mân Côi thuộc giáo xứ Võ Đắt. Đây là họ đạo thuộc vùng sâu vùng xa của giáo phận, giáp ranh với giáo hạt Phương Lâm, giáo phận Xuân Lộc. Giáo họ thuộc xã Đakai, huyện miền núi Đức Linh, Bình Thuận giáp giới huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.

Từ năm 1976 đến 1980, giáo dân từ các giáo phận phía bắc như Bùi Chu, Phát Diệm, Thanh Hóa, Vinh, Huế và một số giáo xứ thuộc hạt Hàm Tân, đến nông trường Đakai lập nghiệp. Vùng đất kinh tế mới hoang vu, núi non rừng rậm, đất đai bạt ngàn giang rộng đôi tay đón nhận bà con di dân từ nhiều miền đất nước. Bên cạnh việc khai khẩn ruộng vườn, phát nương dọn rẫy làm ăn sinh sống, bà con giáo dân luôn giữ đạo bằng kinh hạt gia đình và sống đạo âm thầm trong tin yêu. Mỗi năm chỉ hai dịp Giáng sinh và Phục sinh mới đi dự thánh lễ, vì quá xa nhà thờ và quá khó khăn.

Trải qua những vất vả của buổi ban đầu đến vùng đất “đèo heo hút gió’ đầy gian khổ và thăng trầm, người tín hữu luôn giữ vững niềm tin, chờ đợi trong hy vọng. Đến năm 1990, bà con giáo dân quy tụ lại thành Giáo họ Mân Côi. Vì cách xa nhà thờ xứ trên 30 cây số, đường đất đỏ lầy lội, giao thông trắc trở nên mọi sinh hoạt tôn giáo gặp rất nhiều gian nan. Một số ít giáo dân có xe máy mới có thể tham dự các lễ trọng và Chúa nhật tại các giáo xứ Bình Lâm và Phương Lâm, Xuân Lộc. Mỗi năm vào hai dịp Mùa Chay Mùa Vọng, các cha trong giáo hạt đến ban Bí tích Hoà giải, các em được Rửa tội, Thêm sức đều phải về Nhà thờ giáo xứ.

Năm 1992, cha FX Phạm Quyền, chánh xứ Võ Đắt cho thành lập Ban Điều Hành giáo họ đầu tiên. Mọi sinh hoạt tôn giáo vẫn quá cam go từ phía chính quyền.

Năm 1995, hình thành các nhóm cầu nguyện, đến với các gia đình. Đến năm 2000, Ban điều hành giáo họ mới được bầu lại, cha xứ Võ Đắt lập thêm các điểm phụng vụ Lới Chúa tại các tư gia.

Ngày mồng 2 Tết năm 2003, lần đầu tiên trong mấy mươi năm, giáo họ có một thánh lễ đầu năm mới tại nhà ông Stêphanô Trương Sơn. Từ đó, nơi đây trở thành điểm phụng vụ Lời Chúa và tổ chức thánh lễ Chúa nhật. Trong thời gian này, Đức Cha Nicola Huỳnh Văn Nghi đã yêu thương tạo điều kiện, cho mua một thửa đất hơn 3 sào để làm nơi sinh hoạt và chuẩn bị cho tương lai.

Cuối năm 2004, trên mảnh đất này, thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh lần đầu tiên được tổ chức. Từ đó đến nay, tại nơi đây, được sự quan tâm của cha xứ Võ Đắt, giáo họ thường xuyên có các cha thay nhau đến dâng lễ mỗi Chúa nhật.

Ngày 26.8.2005, giáo họ vinh dự đón Đức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan đến cử hành thánh lễ ban Thêm Sức cho hơn 200 em tại nhà nguyện lều bạt che tạm.

Ngày 10.7.2007, Đức Giám Mục Giáo Phận, Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Đức Ong Tổng Đại Diện, GB Lê Xuân Hoa, các cha hạt trưởng cùng một số cha đồng tế thánh lễ. Đông đảo các chủng sinh, tu sĩ và ân nhân xa gần đến chia sẽ niềm vui với bà con miền núi. Sau 30 năm trong vất vả gian truân, bà con giáo dân vùng kinh tế mới Đakai vui mừng có đựơc lễ đặt viên đá đầu tiên xây Nhà Thờ. Giáo họ đã trải qua bao gian khổ tưởng chừng không thể vượt qua. Nay, với 1.900 giáo dân, được sự giúp đỡ của hai Đức Giám Mục Nicola và Phaolô sự lãnh đạo của cha xứ và là hạt trưởng hạt Đức Tánh, cùng quý ân nhân xa gần, Giáo họ sẽ bước vào một giai đoạn khởi sắc mới. Xây dựng ngôi thánh đường mới, với diện tích 800m2, nhà xứ 200m2, nhà giáo lý 200 m2. Bà con giáo dân nơi đây ước mơ, khi có nhà thờ mới, Đức Giám Mục sẽ nâng giáo họ thành giáo xứ, có cha xứ và các tu sĩ đến phục vụ, “lúa chín đầy đồng”, đang cần nhiều thợ gặt đến gặt lúa.

Trong tâm tình đó mà với bài giảng lễ, Đức Cha Phaolô đã suy niệm 2 đoạn Thánh kinh (St 28,11-18; 1Cor 3, 9–11; 11–17) và mời gọi mọi người hãy tin tưởng vào tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa.

Chúng ta hãy bắt đầu bài chia sẽ hôm nay với câu chuyện ông Jacob đi tìm đất mới. Jacob một người dân, tìm một nơi an cư lập nghiệp để tránh cơn giận của anh mình.

Cuộc ra đi này và giấc mơ mà ông cảm nhận trong đêm khuya cho ta thấy có những liên quan đến cả chúng ta và Giáo hội hôm nay.

Trước hết, là việc Chúa sắp đặt tương lai cho ông đã đành mà cho cả con cháu, với 12 người con xuất phát từ lòng ông.Vì họ sẽ trở thành một dân tộc, một dân mà Chúa chọn làm dân riêng để thờ phượng Thiên Chúa, chờ đợi Đấng Cứu Thế sẽ đến trong tương lai, và Ngài cũng xuất phát từ dân tộc này. Đất Chúa ban cho Jacob cũng là Đất Hứa Chúa sẽ đem họ từ đất nô lệ Ai cập về. Dòng dõi đông đúc như sao trên trời còn là dòng dõi những người tin Chúa, tức là Giáo hội chúng ta.

Giấc mơ cái thang bắc từ đất lên tới trời là gì?

Giấc mơ nầy quả thực lạ lùng, một cái thang từ đất lên tới trời.

Lên xuống trên cái thang đó không phải là người trần mà là người trời. Đầu thang phía trên là Thiên Chúa. Jacob có cảm tưởng ông đã được thấy cửa nhà trời, nơi gặp gỡ Thiên Chúa.

Đây là giấc mơ huyền nhiệm, nhưng Chúa Giêsu sau nầy sẽ giúp chúng ta giải mã nó. Cầu thang huyền nhiệm đó chính là Ngài. Từ Jacob đến Chúa Giêsu, một thời gian trên dưới 2000 năm, nhưng chương trình từ muôn thuở của Thiên Chúa đã bao gồm trót cả chiều dài lịch sử từ thuở tạo dựng cho đến ngày tận thế.

Hôm ấy một chàng thanh niên Do thái tên là Nathanaen đã đến gặp Chúa Giêsu, do lời giới thiệu của một người bạn là Philipphê đã gặp Chúa trước. Ông này khám phá ra Đức Giêsu quả là con người kỳ diệu. Nhưng Nathanaen không tin, vì thành kiến rằng bậc nam nhi phải xuất phát từ nơi văn hóa cao, đô thị lớn, “Từ Nadarét làm sao có cái gì hay được?”.

Nhưng vừa gặp Chúa Giêsu với những lời đối đáp bất ngờ của Ngài, Nathanaen đã vô cùng khâm phục và thưa với Ngài: “Thưa Thầy, chính Thầy là con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Israel.”Chúa đáp lời anh ta: “Vì Tôi nói với anh là Tôi đã thấy anh dưới cây vả, nên anh tin, anh sẽ còn thấy những điều lớn lao hơn nữa, Tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các Thiên thần của Thiên Chúa sẽ lên xuống trên Con Người.” (Ga 2,45-51).

Chúa đã dùng hình ảnh cái thang trong giấc mơ của ông Jacob để loan báo chính Ngài là Trung gian nối liền trời với đất, Trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại.

Trong đêm tiệc ly Chúa cũng nói lại ý tưởng đó với các môn đệ : “Thầy là Đường, là Sự thật và là Sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. (Ga 14, 6)

Thưa anh chị em, đây cũng là sứ điệp Chúa gửi đến anh chị em hôm nay.

Anh chị em là những người di dân, đến vùng đất mới này, có người cách đây hàng nghìn cây số. Với cái nhìn bình thường thì ta nghĩ rằng thời cuộc đã đem chúng ta đến đây. Nhưng với tầm nhìn đức tin, thì ta phải nhận ra chính Chúa quan phòng, yêu thương đem ta đến vì cuộc sống của ta mà cũng vì Chúa muốn đem đức tin của chúng ta cho anh em lương dân ở miền đất này.

Khi các tín hữu đầu tiên bị bách hại tại Giêrusalem, họ đã phân tán ra ngoài Palestine, và cũng nhờ đó Tin Mừng đã lan ra đến các vùng lương dân. Ngôi thánh đường anh chị em sắp được xây dựng chính là nơi anh em tuyên xưng đức tin và chiếu toả đức tin đến lương dân. Hãy quan tâm sống Tin Mừng tình yêu sao cho họ nhận ra Thiên Chúa chúng ta thờ cũng là Thiên Chúa, là người Cha vô cùng yêu quý của họ.

Nếu Chúa đã tỏ cho Abraham, Jacob là con cháu họ nhiều như cát dưới đất, đông như sao trên trời thì anh em lương dân chung quanh đây là con cháu anh chị em trong đức tin, hãy làm cho những con cháu thiêng liêng nầy đông như sao trên trời.

Ngôi thánh đường cũng tượng trưng cho sự hiện diện của Chúa Kitô, nhất là Chúa Kitô Phục sinh đang liên kết chúng ta với Ngài làm thành một thân thể nhiệm mầu. Thân thể này cũng là cái thang nối liền trời với đất để cho anh em lương dân nhờ đó mà đi tới cửa trời.

Câu chuyện cái thang còn đưa ta tới bức thư Thánh Phaolô và bài Tin Mừng Gioan.

Thư Thánh Phaolô nhắc nhở : Chúng ta là đền thờ Chúa Thánh Thần. Cõi Trời không còn xa chúng ta nữa. Qua trung gian của Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần, chúng ta được gặp gỡ trực tiếp Thiên Chúa chúng ta thành “Những thiên thần lên xuống trên con người”.

Bài Tin Mừng đề cập đến ngôi thánh đường đích thực là chính nơi con người chúng ta, chúng ta không còn thờ Chúa ở Giêrusalem hay ở núi Garisim mà thờ phượng Chúa trong thần khí và trong chân lý. Tôi muốn chia sẽ với anh chị em một vài ý tưởng đến ngôi thánh đường của thần khí và chân lý.

Người ta phân ra ba tầng sinh hoạt của một con người. Một là sinh hoạt của thể xác kể cả những cảm xúc khác nhau. Hai là sinh hoạt của tinh thần với lý trí, với những đam mê, những khát vọng và yêu mến chân thiện mỹ. Tầng sinh hoạt thứ ba là sinh hoạt của thần khí, giúp ta gặp gỡ Thiên Chúa. Trong ân sủng cứu độ của Ngài, Chúa Kitô ban Thần khí của Ngài cho chúng ta, giúp chúng ta lớn lên trong lòng tin cậy và yêu mến Thiên Chúa và từ lòng yêu mến Thiên Chúa chúng ta có thể yêu thương vô vị lợi anh em tha nhân.

Nhờ Thánh linh và Chúa Phục sinh ở nơi chúng ta mà chúng ta có thể tôn thờ Thiên Chúa trong thần khí và trong chân lý, trong tình người con thảo với Chúa Cha qua Chúa Thành Thần. Với lễ vật của cả cuộc đời ta sống trong tình yêu Chúa Kitô đối với mọi người.

Chúng ta nhận được Thần khí và Chúa Kitô Phục sinh ở đâu? Thưa là tại thành đường. Đây là điều quan trọng. Tại thánh đường, chúng ta có nhiều dịp đón nhận các Bí tích, nhất là lắng nghe Lời Chúa, và tham dự Thánh lễ. Nếu biết đón nhận, yêu mến và đem Lời Chúa ra thực hành, chính là cơ hội để Chúa Thánh Linh đến và hướng dẫn soi sáng và ban sức mạnh cho chúng ta hoán cải cuộc đời. Cũng nơi Bí Tích Thánh Thể, Mình Máu Thánh Chúa là nguồn suối của sự sống thần linh đến và nuôi dưỡng chúng ta.

Thánh đường còn là nơi cầu nguyện và cử hành các Bí tích khác mà hiệu quả của luôn luôn là Thánh linh không ngừng hoán cải biến đổi hướng chúng ta về sự sống vinh quang đời đời.

Tóm lại, thành đường có thể coi là kho tàng của ân sủng chuyển thông sang chúng ta để biến đổi con người và cuộc sống chúng ta thành đền thờ Chúa Thánh Thần.

Ước chi chúng ta biết đoàn kết yêu thương, hy sinh nhiều thời giờ cho việc xây dựng thánh đường này. Ước chi quý vị ân nhân sẽ quảng đại giúp đỡ tài chánh cho cộng đoàn nhỏ bé và nghèo nàn này có đủ phương tiện hoàn thành một công trình cao quý hàng đầu trong đời ta.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

 

Mục lục

 

 

TÌM HIỂU & SỐNG ĐẠO

 

XEM QUẢ THÌ BIẾT CÂY


“Khi ấy Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai…” ( Mt 7,15-20 ).


Nhiều nhà tu đức, đặc biệt Thánh Inhaxiô đã dùng phương thế này để “phân biệt các đường tu đức” (discerner des spiritualités). Thánh nhân đã căn cứ vào sự bình an tâm hồn cách sâu xa và lâu dài để minh định rằng một quyết định hay một hành vi nào đó của ta là do Thần Lành tác động. Ở đây không muốn đề cập đến việc biện phân thần loại, nhưng dựa vào lời của Chúa Giêsu để cùng tự kiểm xem mình đã thực sự là ngôn sứ, là người cha, người mẹ, người mục tử chính danh chính hiệu chưa hay đang còn phần nào đó “giả hiệu”.


Cứ xem quả thì biết cây. Hoa quả ở đây, chúng ta thường dễ xem là kết quả việc làm của ta như chuyện làm ăn kinh tế, thành đạt công danh, hay qua các công trình xây dựng Nhà Thờ, các tổ chức sinh hoạt như đại hội này, hội nghị kia, các buổi lễ này nọ… Nếu chỉ dựa vào các yếu tố ấy để thẩm định xem việc ta làm, hay phận ta đang đảm nhận ( là cha, mẹ, là quản xứ, bề trên, là giám mục giáo phận…) thì có thể đúng nhưng chắc chắn không thể đủ và lắm khi không đúng chút nào.


Từ ngữ hoa trái trong Pháp ngữ là fruit, Anh ngữ là fruit có gốc La ngữ là fructus. Cả ba từ trên cũng đều có nghĩa là “con cái”, hoa trái từ dạ mẹ. Như thế để thẩm định ai là người cha, người mẹ chính danh thì phải xem xét ở đàn con. Để xem ai là vị quản xứ, vị bề trên chính phận, thì hãy xem xét tập thể tín hữu trong giáo xứ, tập thể các phần tử bề dưới và cũng đừng quên xem xét cả tập thể đàn chiên đang còn ở ngoài đàn nhưng trong phạm vi phụ trách của vị mục tử. Để xem xét hay lượng giá một điều gì đó người ta thường dựa vào các tiêu chí. Dù khả năng có hạn, nhưng cũng xin mạo muội đề xuất một vài tiêu chí như sau :


1. Một bầu khí yêu thương thực sự trong tình liên đới : Có được một đàn con biết yêu thương nhau cách thực sự chứ không phải trên môi miệng thì các vị sinh thành đang là những bậc cha mẹ chính danh. Trong một giáo xứ hay một cộng đoàn dòng tu mà ở đó các phần tử biết sống chan hòa, liên đới với nhau, biết đối xữ với nhau theo kiểu “chín bỏ làm mười” thì hầu chắc vị quản xứ hay vị bề trên ở đó bề trên đang đảm nhận chức phận của mình cách chính hiệu. Tình yêu được bày tỏ cách rõ nét khi sự liên đới hiện diện. Liên đới với nhau trong công nghiệp, trong thành quả tốt đẹp kiểu “của chồng, công vợ” là dấu hiệu tốt. Nhưng liên đới đới với nhau trong những sự không may, trong những điều tệ hại của nhau kiểu “chị ngã em nâng” hay “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”” thì tốt hơn nhiều. Sự liên đới dường như đòi hỏi một cách tất yếu rằng những người vai trên phải tích cực nhận lãnh trách nhiệm về những sai sót của thuộc cấp. Không đổ lỗi cho cấp dưới, không phủi tay thoái thác trách nhiệm khi có sự cố không hay xảy ra trong cộng đoàn.


2. Một bầu khí tín nhiệm lẫn nhau trong chân thành và trung thực : Đã là anh chị em cùng một dạ thì sự tín nhiệm lẫn nhau là phải có. Ở đó còn phải có sự thẳng thắn chân thành, không chút ngại ngần, không chút sợ hãi, che dấu. Khi mà con cái cố tình che dấu điều gì đó với mẹ cha là đã có vấn đề. Khi mà đoàn tín hữu trong giáo xứ còn ngại ngần gặp gỡ cha quản xứ thì cũng đang có vấn đề. Khi mà các thành viên thuộc cấp chỉ biết sống kiểu đối phó dạng “ nín thở qua sông” thì cũng đang có vấn đề. Vẫn có đó tình trạng con cái trong nhà chỉ mong đủ lông đủ cánh để thoát ra khỏi vòng kìm tỏa của mẹ cha. Cũng đang còn đó tình trạng các thành viên trong tập thể này nọ chỉ mong cố mím môi chịu đựng hay cố gượng làm vui cho hết thời gian tu tập để sao đó xổng chuồng tự do. Sự tín nhiệm còn thể hiện ở tình trạng các thành viên thuộc cấp không ngại ngần trình bày sự thật cho dù sự thật ấy có đụng chạm đến người trên. Những người con có hiếu không nguyên chỉ là những người con chỉ biết cúi đầu vâng nghe lời mẹ cha mà còn biết chân thành và thẳng thắn góp ý xây dựng gia đình, có khi là sửa sai cả mẹ cha, dĩ nhiên là trong sự kính trọng và lòng yêu mến.


3. Một sự trưởng thành cả trong nhân bản lẫn đức tin : Nói đến trưởng thành là nói đến tình trạng có ý thức, tự giác và tinh thần trách nhiệm. Để nhận người đứng đầu trong các tập thể lớn nhỏ, có tốt hay không thì cần xem xét hoa trái của nó là các thành viên thuộc quyền có ý thức đúng và đủ vị trí và vai trò của mình trong cộng đoàn hay không. Sự ý thức này được thể hiện qua việc tự giác làm những việc phải làm, những việc đáng làm và nên làm, mà không chờ đợi lệnh từ trên ban ra. Trong một gia đình mà đàn con chỉ biết ngồi chờ lệnh của mẹ cha thì chỉ là những “hoa trái” mãi còn xanh non hoặc đang kém phẩm. Đã có ý thức và sự tự giác thì tinh thần trách nhiệm là điều đương nhiên phải có. Những người con chính danh là những hoa trái tốt đẹp thì luôn có trách nhiệm với sự phát triển hay trì trệ của gia đình mình. Họ là những người luôn tích cực và chủ động trong đường hướng, chiến lược, những cách thế, các phương thức hoạt động vì tương lai, vì sự tồn tại và phát triển của gia đình mình. Đã có đó nhiều bậc cha mẹ tạo điều kiện thuận lợi cho con cái đóng góp sáng kiến để phát triển gia đình. Đang có đó nhiều hội dòng biết sống như là anh chị em cùng một nhà, khi mà các thành viên dù bé chức, yếu phận vẫn có điều kiện góp ý kiến, góp công sức xây dựng hội dòng. Cũng đang có đó nhiều giáo xứ, nhiều giáo phận mà các thành viên không chỉ không ngần ngại sống thật trước mặt bề trên mà còn tích cực góp ý, góp phần xây dựng giáo phận, giáo xứ. Tất thảy những điều ấy là hiện thực vì đã có những cái cây tốt, tức là những vị làm đầu biết sống như là tôi tớ, biết quan tâm đào tạo đàn con trở nên những hoa trái trưởng thành, sẵn sàng để cây ngày một mòn hao đi hầu cho các hoa trái ngày thêm mộng chín.


“Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” ( Ga 13,15 ). Cái cây Giêsu đã dần hao mòn đi cho đến giọt máu cuối cùng. Và rồi cây ấy đã sản sinh nhiều hoa trái và các hoa trái ấy đã tồn tại và nên hữu ích cho nhân trần. (x Ga 15,16 ). “Con hơn cha là nhà có phúc”. Khi các hoa trái có khả năng làm nhiều điều tốt đẹp và hữu ích hơn cả cây sản sinh nên chúng thì chúng đang làm tôn vinh chính cây đã sinh sản nên mình. ( x. Ga 14,11-14 ).


Xem quả thì biết cây. Một quy luật dễ thấy, dễ kiểm chứng. Vấn đề là chúng ta cần xác định hoa quả ở đây là những gì. Nếu chỉ dừng lại ở các việc làm, các công trình bên ngoài mà quên xem xét chính con cái ( fructus ) của mình thì thật là thiếu sót nhiều và cũng có thể nói là đang lầm lẫn.

 

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Mục lục

 

 

VỀ MIỀN VỈNH CỬU


(Tưởng niệm Linh Mục Nhạc sĩ Hòai-Đức, ngày Cha vỉnh viễn ra đi khỏi cuộc đời trần gian: THỨ BẢY 07/07/07 ).

Vào cuối năm 2001, tôi có dịp về thăm quê hương, thăm họ hàng bà con đã từ lâu xa cách, và thăm người cháu mới được Chúa gọi lên chức Linh mục (cha Trần Bình Trọng, hiện là cha xứ Giáo xứ Bút Đông, Tổng Giáo phận Hà Nội). Khi vào Sài gòn tôi đã dành thời giờ đến thăm các cha tại Nhà Hưu Dưỡng bên cạnh nhà thờ Ngã Sáu, Chợ Lớn. Nhân dịp tôi cũng được thăm Cha Hòai Đức; nhưng rất tiếc, Cha đã nằm liệt và không trả lời được bằng lời nói, chỉ bằng ánh mắt, cử chỉ bên ngòai, và qua những kinh cầu nguyện mà tôi tưởng Cha vẫn ý thức được, dù không thể tỏ lộ ra bằng lời nói.

Khi trở lại Hoa Kỳ, nhân dịp Ngày Xuân Dân Tộc, nhớ đến Cha Hòai Đức, tôi có viết một bài về việc “Hái Lộc Đầu Xuân” và lấy những tư tưởng chính trong bài “Chúa Ơi Nay Ngày Xuân…” của Cha. Vào cuối bài, tôi có viết mấy dòng để xin bạn đọc nhớ đến và cầu nguyện cho Cha đang nằm đau liệt tại nhà các Cha Hưu Dưỡng, Ngã Sáu.


Hôm nay, Chúa nhân từ đã gọi Cha về với Ngài để “say sưa trong sắc hương” của Mùa Xuân Vỉnh Cửu vào đúng ngày thứ Bảy, Mùng Bảy, Tháng Bảy, Năm 2007.


Tôi đã được đọc những bài viết về Cha Hòai Đức, đặc biệt bài viết về Ngài đăng trên báo ‘Ngừơi Việt’ vào dịp đầu tháng Ba năm 1977. Nơi đây tôi chỉ xin ghi lại một vài kỷ niệm để gởi đến các bạn hữu, đến những người đã quen biết Cha, những người đã “say sưa” “sốt sắng” hát các bản thánh ca Cha đã sáng tác để thờ phượng Chúa, tôn vinh Mẹ Maria, các Thánh; những người đã từng là học trò của Cha, đặc biệt khi Cha dạy ở Tiểu Chủng Viện Piô XII.

 

Hồi còn học ở Tiểu Chủng Viện Piô XII tại Ngã Sáu (Chợ Lớn), có lần đi nghỉ hè về, tôi được nghe chuyện vui về Cha mà lúc đó còn đang “làm Thầy”. Trong dịp nghỉ hè đó, có một “giai nhân” từ miềm sông Hương, núi Ngự đến thăm Thầy Hòai Đức vì chưa được gặp Thầy bao giờ, chỉ được nghe và hát các bản thánh ca thật hay, thật thanh thóat của Thầy, như bản “Cao Cung Lên…” (thường hát vào dịp Lễ Giáng Sinh). Nghe các bản nhạc của Thầy, chị tưởng tượng Thầy là một thanh niên còn trẻ, có dáng vẻ thanh tú, đẹp trai, đầy duyên dáng… Nhưng khi được “diện kiến” thì chị thấy trí tưởng tượng của chị đã tô vẽ qúa nhiều về Thầy.


Cha Hòai Đức có dáng người hơi cao (theo vóc dáng người Á Châu), sắc da ngăm đen, vẻ mặt đôi khi có nét khắc khổ, dù luôn có nụ cười dịu hiền nở trên môi và dáng điệu hiền hòa, từ tốn. Thời gian làm Giáo sư ở đây, Cha chuyên dạy nhạc lý và tập hát cho các chủng sinh chúng tôi. Tôi nhớ có lần vào một lớp học chiều, vào khỏang tháng 10 thì phải, khi vào lớp Cha đã hát cho chúng tôi nghe thử bài Cha vừa sang tác, bài “Dâng Mẹ”: Lạy mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Đồng Trinh…”. Lúc đó chúng tôi thực sự chưa cảm nghiệm được hồn nhạc của Cha trong bài này; hơn nữa, như Ngài thường nói với chúng tôi là “tiếng tôi như tiếng chiếc lon rỉ! …”. Nhưng rồi bài này dã được phổ biến rộng rãi các nơi như chúng ta đều biết.


Thật lâu sau, vào khỏang năm 1973, khi tôi đang là Linh mục phục vụ tại Đà Lạt và Ngài đang là Cha Quản Lý Giáo Phận Ban-Mê-Thuột. Trong một dịp cần gấp, Cha đã gọi điện thọai cho tôi và tôi đã xin máy bay lên Ban-Mê-Thuột để đón Đức Cha Mai về họp Hội Đồng Giám Mục ỏ Giáo Hòang Học Viện Đà Lạt. Dịp này tôi được đến thăm Cha tại Nhà Chung Ban-Mê-Thuột. Tôi thấy Cha vẫn sống đơn giản, và nụ cười hiền hòa vẫn nở trên môi… Sau đó chẳng bao giờ gặp lại Cha cho đến ngày được gặp lại Cha tại Nhà các Cha Hưu Dưỡng, lúc đó Cha chỉ nằm im lặng và nói chuyện bằng ánh mắt và những hơi thở yếu ớt, dù vẻ mặt vẫn còn nhiều khí sắc, nhưng đã già nua, và hằn lên những nét đau đớn vì bệnh tật.

Hôm nay Chúa đã gọi Cha về, và hồn Cha đã hân hoan về với Chúa là người Cha nhân từ mà suốt đời Cha đã hết lòng phục vụ qua nhiều giai đọan khác nhau của cuộc đời. Cha sinh ra vào khỏang năm 1922 tại xứ Kẻ Nấp, phía tây nam thành phố Nam Định, gần biên giới tỉnh Ninh Bình, cách không xa xứ Kẻ Vĩnh (Vĩnh Trị, đã từng nơi sinh hoạt của ‘Nhà Tràng Kẻ Vĩnh’: “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Kẻ Vĩnh”). Cha đã được sinh ra và lớn lên trong gia đình đạo đức và từ nhỏ đã được gởi lên học tại Tiểu Chủng Viện Hòang Nguyên (Hà Đông). Sau khi tốt nghiệp, đã đi giúp xứ, rồi được gọi về học tại Đại chủng viện Xuân Bách (Hà Nội) vào năm 1945 (Năm đói Ất Dậu). Nhưng những biến chuyển của thời cuộc đã làm cho việc học của các Thầy lúc đó bị gián đọan nhiều lần qua những cuộc “chạy lọan” “tản cư” đi về các vùng an tòan. Tiếp theo đó là cuộc di cư vỉ đại năm 1954. Cùng đi theo nhà trường vào miền Nam, thầy Hoài Đức tiếp tục giúp Tiểu Chủng Viện Piô XII, Ngã Sáu, Chợ Lớn.

 

Dù trải qua nhiều gian khổ, thử thách lâu dài, Thày Hòai Đức vẫn kiên trì trong cuộc đời tu sĩ và vui vẻ lo chu tòan các nhiệm vụ Bề trên trao phó; trong khi vẫn cộng tác tích cực với các nhạc sĩ trong Nhạc đòan Lê Bảo Tịnh và sáng tác những bản Thánh ca rất phổ biến. Mãi đến năm 1958, Thầy mới được gọi để chịu chức Linh mục và tiếp tục làm Giáo sư tại Tiểu Chủng Viện Piô XII, rồi lên phục vụ tại Chủng viện Thừa Sai Kontum, về lại Sàigòn làm Tổng Thư Ký Ủy Ban Thánh Nhạc. Sau cùng Cha Hòai Đức đã nhập Địa phận Ban Mê Thuột và được Đức Cha Nguyễn Huy Mai, Giám mục Ban Mê Thuột, cử làm Quản lý Địa phận, kiêm nhiệm Giám đốc Cơ Quan Từ Thiện Công Giáo Caritas và Phong Trào Công Lý và Hòa Bình. Trong thời gian này, Cha đã chứng tỏ, dù là một nhạc sĩ tài danh, và hầu hết cuộc đời sống trong các Chủng viện, nhưng khi “cờ đến tay” Cha đã chứng tỏ là một người rất thực tế và biết nhìn đến những nhu cầu của xã hội chung quanh để phục vụ những người nghèo khổ, thất học, cô đơn, bịnh họan. Cha đã dùng mọi thời giờ, tâm trí để giúp mở mang nhiều cơ sở giáo dục và từ thiện, nhà dưỡng lão, quán cơm xã hội tại vùng cao nguyên này để giúp các người nghèo khó Kinh và Thượng.


Thế rồi cuộc đời Cha lại đi vào khó khăn thử thách cùng với biến cố đau thương 1975. Cha đã bị bắt đi tù “cải tạo” và di chuyển đi nhiều nơi trong suốt 10 năm, phần lớn là ở các trại “khổ sai” tại miền Bắc. Trong vất vả khổ sở ở các trại tù lao động, Cha vẫn luôn sống như một linh mục, một sứ giả của Chúa giữa những anh em cùng tù đày khốn khó để an ủi và nâng đở tinh thần cho mọi người.


Sau 10 năm tù đày khổ sở, và vì đã gìa nua, bịnh hoạn, Cha mới được thả ra. Cha trở về tiếp tục sống cuộc đời linh mục trong tuổi già, bịnh họan, nhưng luôn vui vẻ, can đảm “vác thánh giá như Chúa đã vác trong những ngày Thương Khó để cứu chuộc nhân lọai.”…… Nay Cha đã được “Chúa thương gọi Cha về,…” gọi Cha về với Chúa, ra khỏi cuộc đời trần gian khổ ải, đi về “Miền Vỉnh Cửu” trong bình minh của Mùa Xuân viên mản.


“Mọi sự điều có lúc, mọi việc điều có thời… Thời để sinh ra, và thời để chết…” (Gv3:1…)…Mùa Đông đã qua, mưa đã tạnh… Ngàn hoa đã rực nở… Tiếng chim đã ca hót vang lừng…” (Diệu Ca 2:11…)…

 

Cha đã can đảm “đi hết đọan đường của Cha” như ý Chúa muốn… Nhìn lại cuộc đời, Cha đã có thể nở một nụ cười tạ ơn Chúa và Mẹ Maria đã luôn giúp Cha kiên trì với Ơn Gọi, vượt qua mọi thử thách, khổ đau để phục vụ Chúa qua các người nghèo khó. Qua các bản Thánh ca mà Chúa Thánh Thần đã soi sáng để Cha viết lên theo dòng nhạc những lời ca ngợi Chúa và rao giảng Tin Mừng tình thương của Chúa.


Cha vỉnh viển ra đi khỏi cuộc đời này, nhưng còn để lại hương thơm cuộc đời hy sinh, khiêm tốn, đơn sơ, hèn mọn, với nụ cười diệu hiền, với tấm lòng thành thực. Cha ra đi nhưng vẫn còn sống mãi qua những bản Thánh ca mà Cha đã sáng tác và trong lòng những con người mà Cha gặp gỡ và yêu thương phục vụ trong suốt dọc cuộc đời.


Xin hợp với thân bằng quyến thuộc và thân hữu của Cha, để chào tạm biệt Cha ra khỏi đời này và hẹn gặp lại Cha ngày đòan tụ trong “Mùa Xuân Vỉnh Cửu” trên Nước Chúa.


“Xin Chúa cho Linh Hồn Cha Giuse được nghỉ yên muôn đời…”

 

LM. Anphong Trần Đức Phương

 

Mục lục

 

 

            Giọt nước mắt ngoài phòng hội chẩn

 

  Cũng khá lâu, tôi không đến bệnh viện, đặc biệt là Viện Tim – nơi tôi và người anh em cùng lớp gắn bó thật nhiều và vài ngày nay có duyên với bệnh viện nên tôi lại được đến, được tận mắt chứng kiến những nỗi đau tột cùng của thân xác. Nơi Viện Tim thân thương ấy, tôi và anh bạn đã chứng kiến được biết bao nhiêu thân phận, biết bao nhiêu mảnh đời phải đau đớn và chiến đấu với căn bệnh ngặt nghèo. Và chính anh – là bệnh nhân – anh mang trong mình nỗi đau và anh có cái cảm thức của một người đau thật sự.

Ông bà ta ta vẫn thường nói : “Có đau mới biết thương người bệnh”.

 

Vâng ! Một câu nói bình dân, đơn giản nhưng qua muôn ngàn đời nó vẫn đúng. Đúng vì sao ? Vì lẽ khi nào mình bị, mình đụng, mình chạm và mình nếm cái nỗi đau ấy thì mình mới hiểu được nỗi đau là gì chứ còn chỉ nhìn thoáng bên ngoài thôi thì ta cũng sẽ cảm được phần nào đó bên ngoài.


Một Thầy già trong Nhà Dòng, năm nay ngoài tám chục, khi phát hiện ra mình bị bệnh và Thầy nói rằng lần đầu tiên trong sau gần 60 năm ở trong nhà Chúa giờ này đây phải nằm bệnh viện. Và khi Thầy đang mang trong mình cơn đau quằn quại của thể xác thì chỉ có mình Thầy mới cảm, mới nếm được cái đau ấy và Thầy phải thốt lên rằng : “Nói thì dễ lắm, có đau thì mới hiểu thôi”.


Một Thầy già khác, bị căn bệnh zôna hoành hành thể xác đến độ có những lúc Thầy cảm thấy như nản lòng, cảm thấy đau đớn, cảm thấy cô đơn của tuổi già trong đời tu và chính cái cô đơn ấy, cái tuổi già ấy đã làm cho Thầy phần nào thấy thấm thía nỗi đau trong lòng mình đang mang. Và với niềm tin của người Kitô hữu thêm với lời khấn dòng “Theo Chúa đến cuối cuộc đời” mới tạm nguôi đi những đau đớn ấy. Dù có nguôi đi nhưng nỗi đau “thấu xương” của chứng bệnh zôna cứ âm ĩ trong Thầy và chỉ có những ai bị di chứng của Zona hoành hành thì mới hiểu mà thôi.


Với tất cả những bệnh thông thường dễ tìm bệnh như zona, lao phổi, gan, ruột thì nó cứ sờ sờ ra đó để bệnh nhân lo chữa chạy. Còn những chứng bệnh nghiệt ngã như tim, ung thư các cơ phận hay cách riêng với các chứng bệnh phụ nữ thì phải tìm và phải chẩn đoán thật nghiêm túc trước khi chữa trị.

Chiều hôm nay được cái duyên vào bệnh viện Phụ Sản Từ Dũ. Đang đứng ngoài phòng hội chẩn để chờ người thân thì thấy những giọt nước mắt cừ tràn ra sau khi nhận được “phán quyết” của hội đồng hội chẩn. Bệnh nhân rơm rớm nước mắt ấy đã nhận được bệnh án của mình là một bệnh nguy hiểm. Ở trong nhà hay tạm gọi là “ngồi mát ăn bát vàng” thì sẽ chẳng bao giờ có cái cảm, cái đau của người bệnh đâu.


“70 chưa nói mình lành mà !” Mà tại sao đôi lúc ta lại vô tâm, vô tình, thậm chí còn coi thường những phận người mong manh bệnh tật xung quanh ta. Đừng quên rằng “cười người hôm trước hôm sau người cười”.

Nhớ lại ở Viện Tim thì cũng thế, hồi hộp chờ đợi các bác sĩ hội chẩn để rồi bệnh nhân sẽ được nhận trong mình “Giấy báo mổ”. Mà tờ giấy báo mổ ở Viện Tim thì chỉ có “ai qua cầu mới hay” mà thôi; rất nhẹ nhàng :tám trăm rưỡi, ngàn tám, hai ngàn hai và có những trường hợp hơn nữa. Đau quá ! Nhà nghèo thì tám trăm rưỡi, ngàn tám, hai ngàn hai quả là một gia tài chứ chẳng phải là chuyện chơi.

 

Dù không mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, dù không phải trải qua đau đớn nhưng khi ta thấy, ta gặp những mảng đời như vậy ta mới cảm thông được phần nào nỗi đau của những người kém may mắn hơn ta.


Vào bệnh viện để thấy sự chờ đợi mòn mỏi, lo lắng khi nhận kết quả, sự hồi hộp khi nhận sự phán quyết của các bác sĩ ta mới hiểu và ta mới cảm được phận người.


Chỉ khi đụng, khi chạm, khi thấy, khi cảm ta mới phần nào nỗi đau của anh chị em đồng loại. Và khi ấy, nỗi đau ấy lại là chính cơ hội để ta tạ ơn Chúa, tạ ơn Trời đã cho ta được may mắn, được lành lặn hơn những người không may đó. Và khi ấy, ta phần nào hiểu được nỗi đau là gì để ta không còn vênh vang khi ta được may lành hơn người khác. Biết đâu được một ngày nào đó ta cũng bị như họ thì sao.

Những giọt nước mắt ngoài phòng hội chẩn chiều nay đã cho tôi nhìn lại chính mình. Phận của mình cũng thật là mỏng dòn, mong manh và yếu đuối. Khi ấy tôi nhớ và cùng xác tín một lần nữa với cụ Phaolô tông đồ dễ thương rằng : “Hiện tôi có là gì, là bởi ơn Thiên Chúa” (1 Cr 15,10)


Vâng ! Thật sự rằng từng giây, từng phút trong cuộc đời, từng biến cố, từng biến cố trong cuộc đời của ta cũng chẳng ở ngoài ơn của Thiên Chúa đâu.

 

Anmai CSsR

 

Mục lục

 

 

SỐNG CHỨNG NHÂN

 

TỬ ĐẠO ĐẠI-HÀN: LUCA HOÀNG


Năm 1984, Giáo Hội Công Giáo Đại-Hàn (Triều-Tiên) mừng kỷ niệm 200 năm (1784-1984) dân tộc Đại-Hàn lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Nhân dịp này, trong chuyến công du mục vụ Hàn Quốc, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II long trọng tôn phong 103 Vị Tử Đạo Đại-Hàn lên hàng Hiển Thánh. Lễ tôn phong diễn ra tại thủ đô Séoul (Nam Hàm) Chúa Nhật 6-5-1984. Xin giới thiệu thánh Luca Hoàng.

Luca Hoàng là quí tử duy nhất của gia đình ngoại giáo khá giả Triều-Tiên. Hoàng là kết tụ mọi niềm hy vọng của gia đình, dòng tộc, đặc biệt là của thân phụ. Đối lại, Hoàng cũng tỏ ra xứng đáng với lòng kỳ vọng của Cha. Năm 20 tuổi, Hoàng khăn gói cùng người đầy tớ lên đường đến thủ đô Séoul để tham dự cuộc khảo hạch về văn chương. Nhưng rồi một vận mệnh cao quý hơn đang đợi chờ chàng. .

Đường từ tỉnh lỵ lên kinh đô xa xôi vạn dặm. Chiều tối, Hoàng vào nghỉ đêm nơi quán trọ. Tại đây, anh may mắn gặp một học giả Công Giáo. Giữa câu chuyện vui hai người dần dần bàn đến chuyện tôn giáo và Hoàng say sưa nghe vị học giả trình bày về giáo lý Công Giáo. Thật lạ kỳ mà cũng thật hấp dẫn. Hoàng muốn đào sâu hơn giáo lý Công Giáo và hỏi xin vị học giả các sách vở liên quan đến Đạo.

Sau khi nhận một số sách Công Giáo cần thiết, Hoàng quay ngựa về quê. .


Thấy con trai trở lại nhà trước thời hạn, ông thân sinh vừa ngạc nhiên vừa lo lắng. Ông hỏi dồn dập:


- Sao con về sớm thế? Có gì làm con buồn lòng? Ngày thi chưa bắt đầu mà!


Bị gặn hỏi Hoàng trả lời:


- Con thi đậu với điểm số cao.

Nhưng thân phụ thoáng nghi ngờ. Ông vặn lại:


- Con bịa chuyện phải không? Ngày thi còn xa mà! Vậy thì con thi môn gì?


Anh Hoàng đành thú nhận:


- Thưa đây là cuộc khảo hạch về Thiên Đàng mà con đã đạt được cách vẻ vang!


Không hiểu con muốn nói gì, ông hỏi lại:


- Con nói gì thế?


Hoàng thưa:


- Đó là Đạo Công Giáo!


Nghe con trả lời, thân phụ tức giận vơ lấy cái tráp ném thẳng vào người anh. Anh Hoàng rút lui vào phòng mình và từ đó không ra khỏi phòng. Anh dành hết thời giờ để nghiên cứu giáo lý Đạo Công Giáo.

Một ngày, ông thân sinh cho gọi con trai đến và nói:


- Gia đình ta nề nếp và khá giả. Con không thể tiếp tục hành động như vậy. Từ nay con không được học hỏi về Đạo Công Giáo nữa.


Anh Hoàng lễ phép nói:


- Thưa Cha, nếu phải chết, con xin chịu chết, nhưng con không thể không học giáo lý Công Giáo!

Trước thái độ cương quyết của quí tử duy nhất, thân phụ tức giận truyền cho đầy tớ đem máy cắt lúa ra. Ông nói với con:


- Bởi vì mày nhất định học cái giáo lý đó, dầu có phải chết, vậy hãy đặt cổ mày dưới lưỡi dao này!

Anh Hoàng hỏi:


- Sao Cha lại truyền cho con phải làm điều này?


Người Cha đáp:

 

- Bởi vì mày muốn thờ lạy Chúa Trời Đất, dầu có phải chết, do đó tao muốn giết mày!


Anh Hoàng hỏi lại:



- Có thật sự Cha muốn giết con vì con thờ lạy Chúa Tể Trời Đất không?


Người Cha gật đầu đáp phải. Anh Hoàng thưa:


- Nếu vậy con xin đặt cổ dưới lưỡi dao này. .



Nhưng các đầy tớ không dám rút chân khỏi bàn đạp để lưỡi dao rơi xuống. Trong khi đó thân sinh quay lưng đi ôm mặt khóc. .


Hai năm trôi qua kể từ biến cố đó. Anh Hoàng tuyệt đối giữ thinh lặng. Cho đến một hôm vào dịp Tết Nguyên Đán, Hoàng bỗng bước vào phòng Cha và nói:


- Thưa Cha!


Người Cha cảm động hỏi lại:


- Con nói được sao?


Anh Hoàng thưa:


- Con đâu có bị câm, nhưng con không nói vì Cha nghiêm cấm con làm điều con muốn làm!


Người Cha nói:


- Giáo lý đạo Công Giáo như thế nào? Con mang cho Cha những cuốn sách nói về Đạo để Cha đọc.


Sau khi đọc kỹ các sách nói về Đạo Công Giáo, người Cha vừa ngạc nhiên vừa thán phục. Ông nói với con:

- Con hãy mời một học giả Công Giáo đến đây. Nếu chúng ta muốn học hỏi giáo lý Công Giáo thì phải làm cách công khai chứ không nên lén lút.


Người Cha xin theo Đạo Công Giáo cùng với cả gia đình. Lúc đó vào khoảng sau cuộc bách hại dữ dội năm 1839.


Năm 1846, khi Đức Cha Ferréol được chỉ định đến truyền giáo tại Triều-Tiên, ngài nghĩ đến chuyện truyền chức linh mục cho anh Luca Hoàng. Sở dĩ Đức Cha nghĩ vậy là vì nhu cầu của Giáo Hội Công Giáo Đại-Hàn. Thêm vào đó vợ anh chấp thuận sống ly thân và bằng lòng giữ trinh khiết. Nhưng Tòa Thánh cho rằng chưa đến lúc phải ban phép chuẩn này.


Về phần mình, anh Luca Hoàng đem hết sức lực khả năng ra để phục vụ Giáo Hội Công Giáo tại Triều-Tiên. Anh không quản ngại công lao khó nhọc. 20 năm sau, 1866, khi cuộc bách hại thảm khốc xảy ra, anh Luca Hoàng bị bắt cùng với Đức Cha Nicolas Daveluy, Cha Pierre Aumaitre và Cha Martin Huin. Cả ba vị đều thuộc Hội Thừa Sai Paris. Anh Luca Hoàng bị chém đầu vào ngày 30-3-1866, nhằm Thứ Sáu Tuần Thánh.


(Paul Destombes, MEP, ”Au pays du matin calme”, Paris 1968, trang 180-186).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

 

Mục lục

 

TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA  ĐÌNH

 

                                  Tuổi teen : Yêu là…hư ?                                    

 

Lo sợ và cấm tiệt là những phản ứng tức thời của không ít phụ huynh, khi bắt gặp một cánh thư trong cặp con, nghe lén điện thoại, tình cờ thấy con chở bạn hoặc “bị” bạn chở. Tại sao đa số phu huynh lại có tâm lý”cấp cứu” khi con nhiễm bệnh...tình ?

 

Không yêu mới… lạ.

 

Kết quả cuối năm của Ngọc Hùng (lớp 11, ở Q3, TPHCM) sút hẳn so với năm trước. Chị Ngọc Phương, mẹ Hùng la mắng và đổ lỗi là do con yêu sớm nên sức học mới xuống dốc. Một kế hoạch quản lý con khá gắt gao được chị Phương đặt ra, dù Hùng đã được nghỉ hè.

 

Đi làm về, chị Phương cắt những mẩu tin trên báo đưa Hùng xem để răn đe Hùng không quan hệ “quá liều” với cô bạn cùng khối khác lớp, nhưng tin về các vụ đánh nhau để tranh giành đối tượng, hay hai bạn trẻ rủ nhau đi cướp ở Bình Chánh để có tiền vô khách sạn, cuối cùng cậu trai phải lãnh án 5 năm tù và cô bạn bị lãnh án treo ở tuổi 16.

 

Từ bản thân con chị và những “tấm gương…đen của con nít quỷ”, chị Phương quy định Hùng chỉ được yêu sau khi tốt nghiệp ĐH, có công ăn việc làm ổn định. Không chỉ ngăn cấm bằng lời, chị Phương còn tịch thu điện thoại của Hùng. Sinh hoạt vui chơi cũng phải trong tầm ngắm của bố mẹ, giờ giấc bị “xiết “ đến không còn khe hở.

 

Sau ba tuần, thấy Hùng không xin đi gặp cô bạn nhỏ, chị Phương yên tâm vì con “dứt yêu” và chú tâm học hè. Lợi dung thời gian học luyện thi, học nhóm, Hùng chuồn theo tiếng gọi tình yêu hơn một tiếng đồng hồ, rồi trở về lớp ngồi học ngoan ngoãn. Chị Phương gọi điện thoại kiểm tra, cả nhóm bạn bao che cho Hùng. Không phải bạn Hùng nó dối vì chầu chè “trả công” của Hùng, mà vì ai cũng hiểu “ở tuổi này hổng có bồ mới lạ”.

 

“Con trai có gì đâu mà mất, còn con gái như bom nổ chậm”.chị Kim Thanh (chủ shop thời trang ở đường Lê Văn Sỹ, Q. Phú Nhuận) luôn phủ đầu như thế, khi cô con gái Kiều Loan của chị học lớp 10, sắp bị…trái tim nhúc nhích. Phát hiện trong cặp Loan có quyển sách về tâm lý và tình dục, chị Thanh càng khủng hoảng hơn, dù Loan biện minh là của nhỏ bạn mua tặng.

 

Đi họp phụ huynh, chị Thanh đem chuyện học sinh chuyền tay nhau “sách người lớn”, tình ái nhố nhăng, cô giáo chưa rõ nội dung sách thế nào, đã khiển trách Loan “không dám nhìn lên”. Thế là đúng ý chị Thanh vì “con ít bạn, mẹ đỡ lo”. Những bạn nam học chung đến nhà đều bị chị Thanh “đưa lên thớt”, nào chê dở hơi, lóc chóc, nào chê vô phép, mất lịch sự…

 

Cảm thấy mẹ không hiểu mình, không phải là điểm tựa để chia sẻ, Loan và bạn trai –là sinh viên ở trọ, lén lút gặp nhau, tâm sự và tự khám phá theo cách của “teen”. 

 

Bình thường thôi !

 

Ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của tình yêu đối với mọi lứa tuổi đều gần như nhau. Tuy nhiên, những bạn trẻ yêu sớm luôn gặp phải lực cản từ các bậc cha mẹ nhiều hơn là ủng hộ, vì đa số phu huynh cho rằng “Khi yêu, đô thị phát triển mọi mặt của con cái không phải đi lên mà đi xuống”.

 

Nếu hai “teen’  chỉ dừng lại ở biểu hiệu xao động, nhớ nhung, giận dối, thích ngồi cạnh nhau, quan tâm, nhường nhịn, giúp đỡ thì “ dễ thương quá”! Nhưng cảm xúc giới tính là quy luật tự nhiên và sẽ được thổi bùng lên khi gặp đối tượng phù hợp trong khi bạn trẻ chưa kịp trải qua’ bô môn…giới hạn”. Nhiều bi kịch đã xảy ra không phải do tình yêu mà do” cách yêu ấy có…vấn đề”.

 

Bạn Nguyễn Anh Minh (lớp 12 trường THPT Hùng Vương) đã tỏ ra khá chững chạc khi phân tích hai tuyến lợi – hại : “Khi yêu người ta lạc quan, gia tặng động lực, khẳng định giới tính, bản lĩnh, giúp nhau phấn đấu, hoàn thiện bản thân. Mặt khác, yêu chiếm mất thời gian, tốn “tình phí” xao lãng việc học, nhất là khi ghen tương, thất tình, bị sốc, nghĩ lệch dẫn đến những ứng xử vụng về, nông nổi”.

 

Các bậc cha mẹ lo lắng và dòm ngó con là có cơ sở và hoàn toàn không thừa, nhưng các bạn trẻ cương quyết bảo vệ tình cảm của mình, đôi khi xung đột, mâu thuẫn với “bề trên”  cũng dễ thông cảm. Dù cha mẹ muốn hay không thì sự rung cảm giới tính (thường được tuổi teen “làm tròn” thành tình yêu) là quy luật tự nhiên, không thể ngăn được ( trừ những bạn trẻ đổ xô vào yêu theo “mốt”).

 

Thúy Hoàng học sinh ở Q.11 bày tỏ : ‘Em và nhiều bạn cùng tuổi hiểu rằng cha mẹ chỉ muốn tốt cho con chứ không ác ý, nhưng đôi khi có những thái độ hành vi của cha mẹ khiến mình cảm thấy khó chịu, tổn thương. Em mong cha mẹ phải trả lời một cách tôn trọng và thiện chí, đừng trả lời mỗi câu “chuyện người lớn, hỏi làm gì”. Nhiều cha mẹ ngăn cản sự tiếp xúc khiến con càng khổ, tác dụng ngược khi con đối phó. Che chắn, lén lút. Cha mẹ không nên xâm phạm quyền cá nhân của con cái, đối xử tốt với bạn của con. Cha mẹ phải mở cánh cửa, dẫn lối cho con tự bước.

 

Tô Diệu Hiền

Theo Phụ Nữ Tp.HCM

Mục lục

 

 

 

Phải đặt tên cho con như thế nào?


Đặt tên cho con, chuyện có vẻ rất dễ dàng nhưng làm tốn không ít thời gian của các bậc cha mẹ. Bởi mỗi cái tên không chỉ gắn liền với cuộc đời mỗi người mà còn là nơi gửi gắm những ước mong của cha mẹ, và làm sao để phù hợp với thời đại mới.


Ít trùng tên người khác để có thể phân biệt rõ ràng


Hiện nay, rất nhiều người có tên giống nhau, thậm chí giống cả họ và tên đệm. Những trường hợp ấy, nếu còn nhỏ, đến trường hay bị nhầm lẫn điểm số, ở nhà thì hay bị gọi nhầm, gọi người này thì người kia trả lời, nhiều khi phải gọi cả tên phụ huynh kèm theo. Để cho mọi người dễ phân biệt và tránh nhầm lẫn, cha mẹ nên chọn cho con một cái tên không quá phổ biến.

 

Theo ý kiến của ông bà

 

Theo quan niệm của ông bà ta, đặt tên con trùng với tên người trên, người thân là một việc rất không nên. Có nhiều trường hợp làm giấy khai sinh xong mới biết tên con mình trùng với tên họ hàng và không ít người phải đi làm lại giấy khai sinh, sổ hộ khẩu cho con. Chính vì thế, các bậc cha mẹ thường tham khảo ý kiến ông bà, thậm chí ông bà còn muốn được đặt tên cho cháu theo ý mình.


Tên phải thể hiện được giới tính


Nhiều người nếu không được gặp chúng ta khó mà biết được là nam hay nữ nếu như chỉ nghe tên. Có khi nữ lại mang cái tên rất nam tính, và ngược lại. Vì vậy, để thuận tiện cho việc nhận dạng giới tính, các bậc phụ huynh khi đặt tên cho con phải thể hiện được sự khác biệt cơ bản về giới.

Tên ngắn hay dài


Có nhiều người thích con mình có cái tên hay nhưng phải ngắn gọn, dễ nhớ, dễ nhận. Nhưng nhiều người lại muốn tên con mình phải dài, phải gây ấn tượng khi đọc lên, vì thế, họ chọn những cái tên và đệm có tới 4 đến 5 từ.


Tên hay về ngữ âm, ngữ nghĩa


Giữa họ, tên đệm và tên phải có mối quan hệ tổng hoà. Để khi đọc lên không chỉ có ý nghĩa mà còn phải tạo điều kiện thuận lợi cho người khác phát âm, tránh những trường hợp phát âm khó đứt quãng và đọc nhịu. Trên thực tế, nhiều người phải xấu hổ và bị bạn bè trêu trọc bởi cái tên chẳng giống ai của mình. Khi đọc lên, âm thanh của tên phải tạo được sự dễ chịu, phù hợp với tính cách của nam hay nữ.



Theo P.L (VTV
)

 

Mục lục

 

 

ĐỌC SÁCH

 

                                            PHÊRÔ CHỐI CHÚA

 

Thời gian trôi đi, đến ngày Đức Kitô bị những người ganh tỵ vây bắt. Bọn chúng điệu Người đến trước toà của Caipha. Một toà đạo. Bởi Caipha năm ấy, đang giữ chức thượng tế, một chức vị cao nhất trong đạo. Sau khi giải Chúa Giêsu vào bên trong cung đường bọn chúng đốt một đống lửa to ở giữa sân để sưởi, vì trời rất lạnh. Nếu có hồng ngoại tuyến ta sẽ bắt gặp Phêrô đang lấm lét phía ngoài hàng rào. Hình như ông đang run thì phải. Ông muốn tìm một chút hơi ấm, nhưng còn đang lưỡng lự. Hít một hơi dài, ông quyết định bước vào. Bước chân tự nhiên, nhưng có biết đâu, đấy là bước chân lún thêm vào dịp tội. sưởi được một lát, mỏi chân quá, Phêrô ngồi xuống. Bước thứ hai. Hơi ấm làm Phêrô thấy dễ chịu. Ngồi xuống sẽ dễ chịu hơn đứng thẳng.

 

Nhưng bất chợt, một âm thanh vang lên giữa đêm khuya, làm Phêrô giật thót mình.

 

“Ông này, đúng ông này là môn đệ của Giêsu”.

Sự sợ hãi, làm Phêrô phản ứng :

-“tôi không hiểu chị muốn nói gì”.

Và lần thứ ba, thì Phêrô đáp :

Tôi thề, tôi không biết Người ấy là ai”.

 

Buồn ! Buồn quá thánh Phêrô ơn, buồn quá Đức Giáo Hoàng ơi. Bao năm trời, sống chung với Thầy, ăn cùng mâm, ngủ cùng không gian thân thương. Mà sao lại nói rằng không biết.

 

Ngài run chứ gì ? Đồng ý thôi. Nhưng ngài là người vẫn nổi tiếng là sung lắm cơ mà. Và nữa, giá người hỏi ngài là một viên sĩ quan, hay chí ít, là một tên lính, thì có thể còn hiểu được, đàng này, kẻ hỏi ngài, chỉ là một  cô nữ tì bé nhỏ. Thế mới biết, khi ở trong dịp tội, người ta yếu đuối lắm, khó mà có thể đứng vững.

 

Ngay lúc ấy, có tiếng gà gáy, vang lên. Với người khác, đấy chỉ là tiếng gà gáy sang canh. Nhưng với Phêrô, thì tiếng gà gáy ấy, làm Phêrô giật nẩy mình, vì nhớ lại lời Chúa Giêsu mới nói lúc chập tối.” Ngay đêm nay, trước khi gà gáy, ngươi đã chối Ta ba lần”.

 

Hụt hẵng và hoảng loạn. Ánh lửa bập bùng của đống củi, dọi chiếu lên khuôn mặt Phêrô, cũng không làm cho hồng hào lên được, mà trái lại, chỉ làm rõ thêm nét tê tái xanh rờn đang ngự trị trên đó.

 

Nhưng rồi có tiếng bước chân dồn dập. Ngước nhìn vào cuối hành lang dinh Caipha, một đám người lố nhố đang bước ra. Phêrô đưa mắt. Thầy ! Bọn lính đang giải Thầy đi. Hai tay Thầy bị tràng trói. Phêrô nghe lòng xót xa. Tội nghiệp Thầy quá, Thầy ơi !

 

Bọn lính giải Chúa Giêsu ngang qua đống lửa. Bỗng Chúa Giêsu quay ngang nhìn Phêrô. Bắt gặp đôi mắt và cái nhìn. Phêrô bủn rủn cả tay chân. Ánh mắt có sức mạnh khủng khiếp. Vừa bắt bắt gặp. Phêrô đã thấy rụng rời.

 

Có là cái nhìn trách móc ? Không. Bởi Chúa đã báo trước cho Phêrô. Nhưng trong cái nhìn ấy, ngập đầy những yêu thương. Chuyên chở ngập đầy kỷ niệm, chứa đầy ngọt ngào dịu êm, có cả nỗi tê tái của người bị phản bội.

 

Tình trường vẫn thế, tình càng sâu đậm, khi bị phản bội, lại càng đớn đau. Một cái nhìn lặng lẽ, chịu đựng.

 

Không chịu nổi cái nhìn yêu thương, nhân ái ấy. Phêrô vội vã chạy ra ngoài oà khóc. Bỏi càng nhớ lại hạnh phúc của yêu thương Chúa đã dành cho mình. Phêrô càng cảm thấy sự hèn hạ, phản bội của mình, càng cảm thấy, giống Ađam ngày xưa trong vườn địa đàng, thấy sự nghèo hèn và trần trụi của mình.

 

Thánh Phêrô đã khóc nức nở. Những giọt nước mắt chảy dài trên gò má. Không chỉ chảy ra từ tuyến nước mắt, mà những giọt nước mắt ấy, rỉ ra từ trái tim.

 

Lạ chưa ? “Đá” cũng chảy nước mắt. Cứ tưởng chỉ có tia sáng laser, mới làm vỡ  được đá, dàng này, chỉ một ánh mắt dịu dàng, thanh đạm, đã soi thẳng  vào tận trái tim của đá (phêrô), làm vỡ vụn trái tim  và làm ứ đầy nước mắt.

 

Nhưng nếu để ý, sẽ thấy những gọt nước mắt ấy, mang sắc màu hồng. Bởi đoó là những gọt nước mắt ăn năn, một sự ăn năn sâu thẳm, tận cùng, từ trái timrịn ra.

 

Ôi những giọt nước mắt hồng. Chứa đầy tình yêu. Vì yêu nên mới hối hận. Những giọt nước mắt ấy chảy ra,  như muốn cho trôi đi, cái lầm lỗi, phản bội. Không nói thành lời, nhưng từ tận cung lòng, ước mong, những giọt nước mắt ấy, sẽ tẩy rửa đời mình, khỏi cái quá khứ buồn thảm, nhơ nhớp đã qua.

 

 

Lm. Đỗ Văn Thiêm

Trích tập sách “Giọt nước mắt hồng”

Mục lục